trang nam nhi tuấn tú, trí dũng song toàn. Người như thế đáng lẽ phải được
sống lâu, để có ích chẳng những cho nhà mà còn cho nước. Nhưng thằng
Tây nó không cho sống, nó giết khi hai mươi tám tuổi đầu... Mình là con
mẹ, con cha mình, mà sự sống chết lại nằm trong tay kẻ cướp nước. Hỏi có
căm không?
Truyện được cập nhật nha.nh nhất .tại. iread.vn.
Hai cậu cháu im lặng hồi lâu, rồi Riệu nói:
- Cháu phải đi Tàu một chuyến. Chị Hồng Đính con thơ cái quấn, mà
bơ vơ nơi đất khách thì sống sao nổi. Cháu sang thăm, rồi đưa chị ấy về quê
cho đỡ khổ.
Đoan gật đầu:
- Cần làm việc ấy. Lập Nham linh thiêng biết chuyện hẳn sẽ hài lòng.
Chợt nghĩ ra, Đoan nói thêm:
- Riệu đến ngã ba Hạc Trì thì tìm ông chài, bạn thân của mình, đã có
lần chở mình và Riệu đấy. Cho mình gửi lời thăm ông, rồi nhờ ông chở một
đoạn. Đỡ mỏi chân. Nhớ đem biếu ông một ít gạo muối. Rồi Riệu rẽ vào
một vài cơ sở cũ của mình, gặp Cai Bá và anh em, hỏi sơ qua tình hình. Nói
là mình đã khỏi ốm, sớm muộn mình cũng lại lên đấy. Mình phải giữ cái
nhịp cầu, nối trung châu với trung du và sang Tàu. Bên ấy còn Công Viễn -
người em họ Công Riệu. Còn Phạm Tư Tề, con cụ Tú Trực ở Vũ Tiên; còn
Lê Văn Tập cùng đi một chuyến với mình sang Nhật. Sau đó mình có gặp
Tập ở Long Châu, không hiểu nay thế nào. Riệu sang đấy tìm xem... Đấy
cũng là một cách làm việc Hội. Gặp nhau là giữ nhiệt tình cho nhau.
Riệu nhớ lời Đoan dặn rồi lên đường, lòng đinh ninh là phải gặp Hồng
Đính và cả ba người anh em đồng hương ấy. Nếu hỏi còn ai, Riệu sẽ gặp
thêm.