một văn thư...
Bội Châu vẫn nhìn lên trần nhà, nghe với vẻ hờ hững; hờ hững nhưng
vẫn nghe. Ông cho là Lê Dư bạo nghĩ, bạo nói. Anh ta sổ toẹt hoàn toàn
chủ trương bạo động, tuyên truyền cho hòa hoãn. Gần đây ông nghe anh em
nói điều nghi ngờ: "Lê Dư bị Pháp mua". Phải dè chừng với sự thay lòng
đổi dạ của anh ta... Song ông nghĩ: đừng vội xóa ngay điều anh ta nói. Có
thực tế là bạo động không thành công, làm tiếp thì lấy người, vũ khí và tiền
bạc đâu mà làm. Thế cùng lực tận rồi. Nếu mình hòa hoãn để rồi củng cố
thế lực, chờ thời cơ thì cũng là một cách không phải không nên làm. Đề
Thám đã chẳng từng hòa hoãn tới hai lần đó sao. Tất nhiên, Thám dẫu phần
nào củng cố lực lượng nhưng vẫn thua, là điều mình phải rút kinh nghiệm
để tránh... Bội Châu nghĩ nhanh rồi hỏi:
- Anh còn ý kiến gì nữa không?... Không à? Thế thì... để tôi suy ngẫm
đã nhá! Đưa ra một chủ trương, phải bàn tính kỹ.
Lê Dư tỏ ra nghiêm chỉnh nói:
- Vâng. Đây là việc quan trọng đối với toàn Hội ta. Tin là thầy sẽ có
chủ kiến phù hợp với tình thế mới.
Tiễn Lê Dư vài bước ra cửa, Bội Châu trở lại bóp trán suy ngẫm. Câu
chuyện của Dư bỗng chốc thành nỗi ám ảnh khó dứt. Nhất là cái ý: "Một
loạt yếu nhân vì bạo động mà không còn". Điều này ông nghĩ đã nhiều,
ngay khi còn ở trong nhà tù. Nghe tin Chân Thiết, Trọng Mậu, Hữu Lực hi
sinh, ông hận là đầu ông không bị chém trước các anh em đó. Hận là một
trăm người như ông cũng không thể chuộc được ba con người hiền lương
như thế. Mà đâu chỉ ba người. Còn Lập Nham, Đội Cấn, người trận vong,
người tự sát. Thái Phiên, Trần Cao Vân bị bắn, vua Duy Tân phải đi đày.
Lâm Đức Mậu, Nguyễn Văn Trung cùng tử hình... Trong một năm mà hung
tín cứ như mây đen ùn đến, nỗi hờn căm cuồn cuộn như sóng bể trào lên...
Song ông lại nghĩ: - Nước đã mất thì thân mình sao lại để mất theo. Mình