Tu chỉnh xong, ông viết thư cho Lý Thụy: - Anh đã góp nhiều điều tân
tiến, khiến tôi nhìn ra những cái tưởng là mới nhưng đã cũ, tưởng đã rộng
xa nhưng còn hạn hẹp. Đơn kiến bất như đa kiến - một người thấy không
bằng nhiều người thấy. Tôi sửa chữa thấy tốt hơn trước... Tôi sẽ mở hội
nghị để anh em thảo luận, qua đó mà thống nhất ý chí và hành động...
Những việc mà Hội Thanh Niên đề xuất và thực hành, tôi tận tâm tán trợ.
Tuổi già, sức có hạn, tôi sẽ liên kết với các anh trong công cuộc chung.
Viết thư cho Lý Thụy, nhờ Tùng Mậu chuyển tay, Bội Châu tỏ ý tin
cậy. Rồi ông quay ra đọc thư anh em từ xa gửi đến, trong đó có thơ của Ấm
Đoan. Nhận ra nét chữ gầy sắc, quen thuộc, ông mường tượng về người
đồng chí có dáng cao cao gầy gầy, đã hai chục năm cứ địa, thủ hiểm, ốm
phải tạm đi, khỏe lại trở về. Ông đọc đi đọc lại bài thơ Đoan tặng ông. Ông
chú ý hai câu cuối bài thơ ấy. Đó là lời thề, lời hứa: - Chưa toại ba sinh đền
nợ nước / Đá vàng dù nát vẫn trông chờ. Ông thấy người đồng chí đồng
tâm ấy thực dạ trung kiên, đầy lòng ái quốc. Còn nhớ cái hồi Đoan vừa
chân ướt chân ráo tới đất Nhật, tưởng được học tập như anh em, không ngờ
phải nhận việc về nước... Ông sớm thấy ở Đoan một người có tài có đức, có
năng lực liên kết anh em, vận động đồng bào. Đoan được tin cậy không chỉ
vì nhiều tuổi hơn, mà còn vì có tinh thần kiên cường vượt khó. Qua rừng
thì đi trước mọi người, ăn ít, ngủ sau anh em. Đoan phụ trách cả một vùng
sông Thao, gây được cơ sở, nắm hội viên, giữ vững liên lạc trong và ngoài
nước. So với Trọng Mậu và Lập Nham, thì Đoan không kém cả về tài và
chí. Nếu Hội là cái nhà thì Đoan là một trong những cột chính. Cùng có cha
là Tiến sĩ Đình Nguyên, là lãnh tụ Cần Vương, mà Đoan với Bá Ngọc khác
nhau như vàng với cám.