cái bánh không ăn. Mai cũng đã quên Mây. Văn cũng lạc đâu đó trong rừng
người. Mây cúi mặt xuống sàn nhà thẩn thờ.
Đột nhiên lòng Mây nhói đau, Mây cảm thấy thấm thía sự cách biệt giữa
mình và các thanh niên đồng tuổi. Họ giàu, họ sang. Ngôn ngữ của họ là
loại ngôn ngữ mới, bụng dạ đầy chữ. Còn Mây. Mây muốn chạy lên trên
nhà, trốn trong một xó tối, nhưng Mây không có can đảm rời chỗ đứng.
Mây còn hy vọng mơ hồ ở Văn. Thế nào Văn cũng tìm đến và Mây không
cô đơn một mình, không lạc lõng trong đám đông này.
Đám đông bắt đầu hoạt động. Một thanh niên lên ca một bản nhạc ngoại
quốc. Tiếng hát chát chúa xoáy vào tai Mây. Đám đông la hét cười đùa, vỗ
tay. Khi bài hát dứt, người thanh niên yêu cầu chủ nhân ca một bản nhạc
đáp lễ. Đến lúc đó Mai mới nhớ đến Mây. Mai đưa mắt tìm kiếm. Đám
đông cùng một dịp la lên:
- Mai hát, Mai lên hát.. Lên… Lên…
Mai ngập ngừng bước lên bục. Mai đã thấy Mây đứng một mình ở góc
phòng. Mai mỉm cười nhỏ nhẹ:
- Cám ơn tất cả quý bạn đã đề nghị Mai, nhưng Mai mới đau dậy, tình trạng
sức khỏe làm Mai hát dở lắm. Nhất là hát dở để đáp lại một bài hát hay như
anh Tùng. Để bù vào, Mai giới thiệu với các bạn chị Mây, một người bạn
thân của Mai đã giúp đỡ Mai rất nhiều trong những ngày Mai đau. Chị Mây
có một giọng hát hay vô cùng…
- Hay là thế nào…
Một giọng nói chế giễu vang lên, nhưng Mai vẫn mỉm cười nói tiếp:
- Cả nhà cứ mệnh danh Mây là ca sỹ của nhà đó… Mời chị Mây.
Mây luống cuống đỏ bừng mặt. Mặc dù biết trước mình sẽ lên ca, nhưng
thực tình Mây thấy khớp. Nếu Mây phải hát trước những cặp mắt như thế
kia chắc Mây sẽ tắt giọng luôn. Mây cúi gầm mặt xuống tránh những ánh
mắt của mọi người đang đổ dồn về mình và xì xào bàn tán. Trong sự bối rối
cùng cực đó, Mây nghĩ đến Văn. Văn đâu… Văn đâu.
Và Văn đã tiến lại để khuyến khích Mây. Giọng Văn vui vẻ:
- Mây lên đi Mây, đừng ngại gì hết.
Mây mừng rỡ quay đầu lại để chờ ở Văn một khuyến khích cho lòng thêm