Gã xem các file khác. Thông tin của gã về Dumas cho biết ông có hai
mươi hai người cộng sự ở từng thời kỳ khác nhau trong đời viết văn của
mình. Quan hệ với nhiều người trong số này kết thúc đầy sóng gió. Nhưng
Corso chỉ quan tâm đến một cái tên:
Maquet, Auguste-Jules. 1813-1886. Hợp tác với Alexandre Dumas làm
vài vở kịch và 19 tiểu thuyết, trong đó có những cuốn nổi tiếng nhất (Bá
tước Monte Cristo, Hồng lâu kỵ sĩ, Hoa tuy líp đen, Chuỗi hạt của hoàng
hậu) và đặc biệt là loạt truyện Lính ngự lâm. Sự cộng tác này mang lại cho
ông danh tiếng và giàu có. Trong khi Dumas qua đời không xu dính túi thì
Maquet chết trên đống tiền trong lâu đài của mình ở Saint-Mesme. Không
có tác phẩm nào do tự ông viết mà không có sự đóng góp của Dumas còn
tồn tại được đến ngày nay.
Gã xem bản ghi chú tiểu sử, có mấy dòng trích từ Hồi ký của Dumas:
Chúng tôi, Hugo, Balzac, Soulie, De Musset và tôi, những người sáng
tác văn chương bình dân. Chúng tôi có được tiếng tăm, dù nhiều dù ít,
chính là bằng cách viết như vậy, dù rằng nó bình dân…
Trí tưởng tượng của tôi phải đương đầu với thực tế, giống như một
người tới thăm lại một tòa nhà cổ điêu tàn, phải bước qua đám phế thải
ngổn ngang, lần theo các hành lang, cúi mình chui qua những ô cửa, để rồi
dựng lại một bức tranh gần giống tòa nhà ban đầu khi nó còn tràn trề sức
sống, với tiếng hát câu cười rộn rã, hoặc tiếng nức nở sầu đau vang vọng
khắp nơi nơi.
Corso bực bội rời mắt khỏi màn hình. Gã đã đánh mất cảm giác, nó trốn
vào đâu đó trong những ngóc ngách ký ức trước khi gã nhận diện được nó.
Corso đứng lên đi đi lại lại trong căn phòng tối. Rồi gã cầm nghiêng cái đèn
soi lên chồng sách trên sàn ở sát tường. Gã nhặt lên hai tập sách dày: một
bản in hiện đại cuốn Hồi ký của Alexandre Dumas bố. Trở lại bàn làm việc,
gã giở nhanh quyển sách cho tới khi bắt gặp ba tấm ảnh. Trong tấm ảnh đầu
tiên, Dumas ngồi bên Isabelle Constant, người tình của nhà văn từ khi nàng
mới mười lăm tuổi, điều này được chú thích rõ trong mục lục. Mái tóc xoăn