chất trẻ em ngày càng tăng. Thế nhưng ngay cả những đơn vị quan tâm đến
vấn đề này nhất cũng không thể làm được gì để cứu một đứa trẻ bị bạo
hành bằng lời nói. Đứa trẻ hoàn toàn cô độc trong cuộc chiến này.
Tính sát thương của những lời tàn độc
Hầu hết các bậc cha mẹ đều sẽ có lúc nói những lời xúc phạm đến con
trẻ. Hành động này không phải lúc nào cũng là bạo hành lời nói. Tuy nhiên,
thường xuyên miệt thị những khiếm khuyết về ngoại hình, trí thông minh,
năng lực, hay giá trị của trẻ như một con người, đó là bạo hành.
Tương tự những bậc phụ huynh thích kiểm soát, có hai loại cha mẹ
bạo hành trẻ bằng lời nói. Một là công kích trẻ một cách trực tiếp, miệt thị
công khai, đầy ác ý. Mắng chửi trẻ là ngu xuẩn, vô tích sự, hoặc xấu xí.
Những người này thường nói giá như họ không sinh đứa trẻ ra đời. Họ
chẳng đoái hoài gì đến cảm xúc của trẻ, và lời nói của họ sẽ có tác động lâu
dài đến quá trình hình thành hình ảnh cá nhân của trẻ như thế nào.
Những người khác thì gián tiếp hơn, họ công kích trẻ bằng cách liên
tục dội lên đầu trẻ những lời chế giễu, mỉa mai, những biệt danh xúc phạm,
sỉ nhục rất tinh vi. Những người này che giấu hành vi bạo hành của họ đằng
sau tính hài hước. Họ nói đùa những câu như: “Đó giờ tao thấy cái mũi to
như vậy chỉ ở núi Rushmore thôi”, hay là: “Cái áo hợp đấy - cho một thằng
hề”, hay như: “Chắc cái ngày Thượng đế ban phát não cho loài người mày
nghỉ ốm phải không”.
Nếu như đứa trẻ, hay một thành viên nào đó trong gia đình biểu thái
độ không hài lòng về lời nói của họ, kẻ bạo hành sẽ kiên quyết phản kháng
rằng chúng chẳng có óc hài hước tí nào cả. “Con bé biết tôi chỉ nói đùa
thôi”, hẳn là hắn ta sẽ nói vậy, như thể nạn nhân của trò bạo hành này là
đồng phạm của hắn.