Phil, 48 tuổi, có vẻ bề ngoài là một người đàn ông rất tự tin. Anh ta là
một nha sĩ cao to, vẻ ngoài bụi bặm, nam tính và ăn mặc rất có phong cách.
Nhưng khi nói chuyện, giọng nói của anh nhỏ đến mức tôi không nghe thấy
được. Tôi phải yêu cầu anh lặp lại rất nhiều lần. Anh giải thích rằng anh
đang tìm kiếm sự giúp đỡ với tính nhút nhát đến phát kinh này.
Tôi không thể cứ tiếp tục như thế này. Tôi đã năm mươi nhưng lại cực
kỳ nhạy cảm với mọi thứ người khác nói về mình. Tôi không thể chấp
nhận lời nói như nó vốn vậy, mà luôn nghĩ rằng người khác đang chê
cười mình. Tôi cảm giác như vợ tôi đang cười nhạo tôi... Bệnh nhân
đang cười nhạo tôi. Ban đêm tôi cứ trằn trọc nghĩ đến những điều
người khác nói với mình ban sáng... và tôi thấy toàn những mặt tiêu
cực không thôi. Nhiều lúc tôi thấy như đang phát điên.
Phil cởi mở nói về cuộc sống hiện tại của anh, nhưng lại khép kín khi
tôi hỏi về những năm tháng đầu đời. Qua vài câu thăm dò nhẹ nhàng, anh
bảo tôi điều anh nhớ như in về thời thơ ấu đó là những lời châm chọc hàng
ngày của cha. Những lời nói đùa đều nhắm vào anh khiến anh thường
xuyên cảm thấy như bị làm nhục. Khi những người khác đều bật cười, anh
càng thấy bị cô lập.
Bị châm chọc đã đủ tệ rồi, thế nhưng thỉnh thoảng cha tôi còn nói
những câu đáng sợ hơn như: “Thằng này không thể nào là con mình,
nhìn mặt mũi nó kìa. Tao cá là lúc ở bệnh viện người ta đã tráo con
rồi. Sao mình không đem nó trả nó về cha mẹ thật của nó”. Lúc đó tôi
mới sáu tuổi. Tôi đã thực nghĩ rằng họ sẽ đem tôi trả về bệnh viện.
Một ngày, tôi nói với ông: “Cha, sao cha lúc nào cũng bắt nạt con?”
Ông bảo: “Tao không bắt nạt mày. Tao chỉ giỡn chút thôi. Mày không
thấy hả?”
Cũng giống như bất kỳ đứa trẻ non nớt nào, Phil không có khả năng
phân biệt được đâu là nói đùa, đâu là sự thật. Đó là mối đe dọa từ những lời
trêu chọc. Hài hước theo hướng tích cực là một trong những liệu pháp đáng