Nếu nạn nhân có được bất kỳ sự khoái lạc nào từ hành vi loạn luân, sự
tủi hổ của họ sẽ càng tăng lên. Một số người lớn từng là nạn nhân nhớ lại
sự hưng phấn tình dục mà họ từng trải qua, bất kể sự bối rối hay xấu hổ mà
họ cảm thấy. Điều này càng khiến cho các nạn nhân gặp khó khăn hơn
trong việc từ bỏ ý thức phải chịu trách nhiệm về sau này. Tracy thực sự đã
đạt tới sự cực khoái. Cô giải thích:
Tôi biết rằng như thế là sai, nhưng cảm giác ấy rất tuyệt. Người đàn
ông ấy là một kẻ khốn nạn vì đã làm điều ấy với tôi, nhưng tôi cũng
cảm thấy mình có tội không khác gì ông ta vì đã thích thú với chuyện
ấy.
Tôi đã từng nghe những câu chuyện tương tự như vậy trước đây,
nhưng nó vẫn làm tim tôi thắt lại. Tôi nói với Tracy, cũng như là tôi đã từng
nói với những người khác trước đó:
Chẳng có gì là sai với sự kích thích cả. Cơ thể bạn được lập trình về
mặt sinh học để thích thú với những cảm giác như vậy: Thực tế, dù
bạn có cảm thấy tuyệt vời vẫn không có nghĩa là ông ta đã làm một
việc đúng đắn và bạn đã sai. Bạn vẫn là một nạn nhân. Đó là trách
nhiệm của ông ta, khi đã là một người lớn, họ cần phải làm chủ bản
thân, bất kể họ có cảm thấy ra sao.
Còn có một cảm giác tội lỗi khác khá đặc biệt ở nhiều nạn nhân của
nạn loạn luân: chính họ đã cướp đi người cha khỏi tay mẹ mình. Nạn nhân
của những vụ loạn luân cha và con gái thường nói về việc họ có cảm giác
như thể mình là “người thứ ba.” Điều này càng khiến cho họ khó khăn hơn
trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà đáng lý họ có thể trông cậy -
mẹ của mình. Thay vì vậy, họ cảm thấy mình đã phản bội mẹ; và điều này
cộng thêm một tầng tội lỗi vào thế giới nội tâm của họ.
Ghen tuông mù quáng: “Con thuộc về ta”