Đối với Kim mà nói, việc cố làm vừa lòng cha mình cũng giống như
tham gia vào một cuộc thi chạy mà cha cô luôn là người di chuyển vạch về
đích. Cô càng cố gắng chạy, thì ông lại càng dịch vạch đích ra xa hơn và cô
không thể giành được chiến thắng. Ông sử dụng tiền bạc để ban thưởng lẫn
trừng phạt mà không có tính hợp lý hay nhất quán. Ông vừa hào phóng lại
vừa keo kiệt về tiền bạc, giống như cách ông thể hiện tình yêu và sự ưa
thích. Thông điệp hỗn loạn của ông làm cô bối rối. Sự phụ thuộc của cô gắn
liền với sự chấp thuận của ông. Sự hỗn loạn này tiếp tục được duy trì trong
cả quãng thời gian trưởng thành của Kim.
Tôi khuyến khích chồng mình đến làm việc cho cha tôi. Đó hoàn toàn
là một sai lầm! Giờ đây ông thực sự nắm chúng tôi trong lòng bàn tay.
Mọi việc phải được thực hiện theo cách của ông - từ việc lựa chọn một
ngôi nhà cho tới việc dạy bọn trẻ đi vệ sinh. Ông khiến cuộc đời Jim
trở thành địa ngục tại công ty, vì thế nên cuối cùng Jim cũng nghỉ việc.
Cha tôi xem điều này như một ví dụ khác về sự vô dụng của anh ấy,
dù cho Jim đã kiếm được một công việc khác ngay sau đó. Cha tôi đã
công kích tôi về điều này và đe dọa sẽ ngừng giúp đỡ chúng tôi, nhưng
rồi ông đã thay đổi ý kiến. Vào Giáng sinh, ông mua tặng tôi một
chiếc ô tô mới. Khi ông trao cho tôi chìa khóa, ông nói: “Con không
muốn chồng con giàu có như cha ư?”
Cha của Kim sử dụng quyền lực kinh tế của mình một cách độc đoán
và tiêu cực trong vỏ bọc hào hiệp. Ông sử dụng nó để biến mình thành
người không thể thiếu được trong mắt Kim và tiếp tục hạ thấp chồng cô ấy.
Theo cách đó ông tiếp tục kiểm soát cô lâu dài sau khi cô đã rời khỏi “tổ”.
“CON KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU GÌ
NÊN HỒN À?”