Như nhiều đơn vị tự vệ chiến đấu khác, đội tự vệ cứu quốc chúng tôi
được bổ sung nhiều đội viên từ các đoàn thể cứu quốc phát triển thành Đại
đội Giải phóng quân mang tên Đại đội Lê Thám vì vẫn anh Lê Thám làm
đại đội trưởng. Số anh em cũ từ ngày còn là tổ Thanh niên Cứu quốc hoạt
động bí mật nay phân ra các tiểu đội, trung đội mới thành lập, một số được
phân công làm cán bộ chỉ huy, trong đó tôi được giao nhiệm vụ tiểu đội
trưởng. Một tình cảm chan hòa, thân thương gắn bó tuy mới được hình
thành nhưng sâu đậm, hình ảnh về cái tiểu đội sơ khai buổi đầu vẫn thường
được nhắc đến một cách trân trọng, trìu mến mỗi khi chúng tôi rảnh rỗi.
Chẳng thế mà có anh đã xếp vần tên của từng thành viên trong tiểu đội
thành hai vế đối rồi khắc lên hai cột đình.
Thám, Hữu, Đào, Lan, Cầm, Thượng, Thúy
Thanh, Liêm, Miêu, Miễn, Thường, Vân, Xì.
Ý muốn nhắc rằng những kỷ niệm buổi ban đầu là thiêng liêng, nếu thế
nào thì cũng không bao giờ quên nhau.
Thời gian này về tinh thần thì phấn chấn, thanh thản, đúng là cuộc đổi
đời đang đến với mọi người, nhưng về vật chất thì thiếu thốn trăm bề. Nạn
đói vẫn đang hoành hành đe dọa do sự bóc lột, vơ vét quá tham của Nhật,
Pháp; tiếp đến đê sông Hồng vỡ hơn một trăm quãng làm ngập tám tỉnh Sơn
Tây, Hà Đông, Hà Nam, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái
Bình. Ngân hàng Đông Dương vẫn còn trong tay Pháp, Chính phủ cách
mạng chỉ thu được trong kho bạc 1.233.000 đồng tiền Đông Dương mà quá
nửa là tiền rách. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày
3/9/1945, Bác Hồ đã ban hành quyết định khẩn cấp cứu đói, là một loại giặc
trong ba loại giặc phải chống lúc đó (giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm).
Chính Người đã gương mẫu thực hiện cứu đói trước bằng cứ mười ngày
nhịn ăn một bữa để lấy gạo góp phần cứu đói. Đời sống của Quân giải
phóng cũng muôn vàn khó khăn, vì quá thiếu, hàng ngày khi đến giờ ăn,
chúng tôi phải phân người chia đều cơm, thậm chí cả cháy cũng vậy.