phần lớn đánh chệch hướng, lạc mục tiêu, dẫn đến pháo binh ta chi viện lạc
mục tiêu gây khó khăn cho việc phát triển tiếp theo. Vì thế sức đột kích của
các đơn vị nhanh chóng giảm sút, bị chững lại, mất thế chủ động.
Cuộc tiến cộng đợt hai vào thị xã An Lộc đã chấm dứt ngày 15 tháng 5.
Với tư cách là một thành viên trong đội hình chiến dịch tôi mãi mãi thán
phục cuộc tiến công vào thị xã An Lộc trong mùa hè 1972 như một bản anh
hùng ca bất diệt. Tất cả những người tham chiến - từ đồng chí tư lệnh chiến
dịch đến các chiến sĩ chiến đấu trong đội hình tổ ba người về tinh thần trách
nhiệm thật cao của mình, không quản khó khăn, không ngại gian nguy, sẵn
sàng cho yêu cầu của Tổ quốc lúc đó - cần phải gắng sức vươn lên, kể cả xả
thân trong cuộc chạy đua lịch sử. Trong cả hai đợt tiến công, lực lượng so
sánh ta chưa đủ ưu thế nhưng tất cả các đơn vị tham chiến khi có lệnh đã
dũng mãnh chọc thủng tuyến phòng thủ có chuẩn bị trước của địch, tiến vào
trung tâm thị xã, đánh tỏa ra các đường phố, chiếm giữ một số công sở hành
chính cấp tỉnh của địch gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Chỉ
một tin xe tăng của “Việt cộng” (tức Quân giải phóng) xuất hiện trên đường
phố thị xã An Lộc làm chính giới Mỹ phải ngạc nhiên, sửng sốt. Trên bàn
Hội nghị Paris, Kissinger giọng điệu đã bớt chủ quan, thách thức. Chính
ông ta cũng kinh ngạc: Không hiểu làm thế nào và bằng cách gì mà các ông
(Quân giải phóng) đưa được xe tăng đến trước cửa ngõ phía bắc Sài Gòn?
Rõ ràng sự không thành công của trận đánh không phải do nơi ý chí tinh
thần, không phải lòng quả cảm quyết tâm có vấn đề mà là do:
- Bỏ lỡ thời cơ, vì cái thời cơ ấy chỉ đến sau khi Lộc Ninh thất thủ vài ba
ngày rồi không bao giờ trở lại. Trong chiến tranh nói chung và trong chiến
dịch, chiến đấu nói riêng yếu tố thời cơ là rất quan trọng, có lúc trở thành
nhân tố quyết định. Gặp thời cơ yếu trở thành mạnh, hết thời cơ, mất thời
cơ, mạnh dễ biến thành yếu, dẫn tới thất bại.