làm chủ căn cứ, địch bỏ chạy, sư đoàn tiếp tục phát triển vào Hố Nai, bị
địch chặn lại.
(7) Sau đó mới biết, đây là trận địa chống tăng thuộc loại rắn chắc của
địch. Ngoài bốn tuyến hào chống tăng, ở đây còn có sáu mươi tăng từ các
nơi dồn về để chặn bộ binh và xe tăng ta, bảo vệ Biên Hòa. Bọn địch ở đây
không nhận được lệnh của cấp trên trưa 29 tháng 4 rút về bờ tây sông Đồng
Nai để phòng thủ Thủ Đức.
Sư đoàn 7 mãi 23 giờ ngày 29 tháng 4 mới đến cách Hố Nai một nghìn
năm trăm mét, phải dừng lại triển khai chiến đấu, diệt một tiểu đoàn thủy
quân lục chiến, một bộ phận trung đoàn 52 (sư đoàn 18) và 22 xe tăng địch.
Lúc này tuyến phòng thủ Hố Nai đã bị Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 đập tan,
nhưng vẫn còn tàn quân địch lẩn trốn, trà trộn vào dân, chia thành từng tốp
nhỏ chống lại theo kiểu đánh “du kích”. Chúng dùng tiểu liên M.16, súng
M.79, M.72 từ trên các nhà cao tầng, các gác chuông nhà thờ bắn lén vào
đội hình hành quân, làm cháy một số xe, pháo, buộc Sư đoàn 7 phải xuống
xe tổ chức chiến đấu, ảnh hưởng đến tốc độ hành quân.
Khi được tin sở chỉ huy nhẹ của quân đoàn 3 chuyển về Gò Vấp tối 29
tháng 4, qua đài kỹ thuật Lê Minh Đảo cầu cứu Bộ Tổng Tham mưu ngụy,
rút quân sang bờ tây sông Đồng Nai, trong khi các lực lượng ta vẫn còn bị
địch chặn ở ngã ba Hố Nai đi Biên Hòa, Phó tư lệnh Quân đoàn Bùi Cát Vũ
ở sở chỉ huy tiền phương lệnh cho pháo bắn chặn hai bên đầu cầu, không
cho địch phá cầu. Đó là một xử trí rất kịp thời.
Sau khi Bộ tư lệnh Quân đoàn thống nhất quyết tâm bằng bất cứ giá nào
phải đánh chiếm cho được Biên Hòa trước 0 giờ ngày 30 tháng 4, tôi lệnh
cho các đơn vị:
- Sư đoàn 6 bỏ các vị trí, các căn cứ còn lại ở Hố Nai, tiến theo bên trái
đường số 1, đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 và cầu Ghềnh, thọc sang bờ
tây sông đánh chiếm đầu cầu, giữ bàn đạp.