tắt hành quân liên tục suốt mấy đêm liền mới ra tới ngã ba Thượng Bằng La
- con đường năm xưa đã dẫn chúng tôi đi vào chiến dịch Tây Bắc. Vừa đặt
chân lên mặt đường, bắt gặp ngay cảnh “ngựa xe như nước” của các đoàn
dân công, của các đơn vị hậu cần nườm nượp theo hướng tây mà tiến tới.
Khi hành quân qua Nà Sản thì nỗi hận trong tôi lại trỗi dậy.
Nà Sản nằm trên đường 41, cách thị xã Sơn La hai mươi ki-lô-mét về
phía tây nam. Trong chiến dịch Tây Bắc Thu Đông năm 1952 bị ta tiến
công tiêu diệt hàng loạt vị trí, số quân sống sót phải rút chạy, được bộ chỉ
huy Pháp tập hợp về đây xây dựng thành tập đoàn cứ điểm lớn gồm 21 đồn
bốt, điểm tựa với lực lượng hơn tám tiểu đoàn bố trí theo từng hàng lớp để
đối phó với ta. Tập đoàn này được mệnh danh “pháo lũy” Nà Sản, “công
trình Nà Sản - con đê ngăn sóng” một hình thức phòng thủ mới để đối phó
với các cuộc tiến công của chủ lực ta(1).
(1) Cuối tháng 11, địch ở Nà Sản có tám tiểu đoàn và tám đại đội bộ
binh, một tiểu đoàn pháo binh, một đại đội công binh, tổng quân số lên tới
mười hai nghìn tên.
Cùng với Trung đoàn 102 (đại đoàn 308) đánh Pú Hồng (đêm 30/11)
Trung đoàn 174 (đại đoàn 316) đánh Nà Sỉ (đêm 11/12), Trung đoàn 209
được giao nhiệm vụ diệt Bản Vây. Nhưng chúng tôi chẳng những không
thắng mà còn bị thương vong khá nặng, chỉ vì chúng tôi chưa hiểu đầy đủ
thủ đoạn chiến thuật mới của địch, không tính hết sự phối hợp hỏa lực giữa
các cứ điểm trong cụm cứ điểm. Khi đơn vị bắt đầu nổ súng, phá xong hàng
rào xung phong lên, thì các vị trí khác của địch dồn hết hỏa lực tập trung
bắn tới. Lực lượng xung kích của trung đoàn xông lên mấy lần đều bị hất
lại. Cuối cùng phải rút. Đêm hôm đó, trời rét, trăng lại sáng, chúng tôi rút ra
đến đâu địch bắn đuổi theo đến đấy. Tất cả cơ quan trung đoàn bộ phải đi
làm công tác vận chuyển thương binh. Nhìn bộ đội thương vong, nghĩ đến
nhiệm vụ không hoàn thành, tôi phát khóc, vì thiếu kinh nghiệm để xảy ra
thiệt hại như vậy.