Phần việc khó khăn thực sự tiếp theo là thuyết phục các công ty Mỹ rót vốn
vào Singapore. Phần lớn trách nhiệm này được đặt trên vai của một cựu giáo
viên tiếng Anh còn trẻ, không có kinh nghiệm nhưng rất kiên trì.
***
TĂNG CHẤN MỘC đặt chân xuống sân bay John F. Kennedy ở thành phố
New York vào một ngày lạnh giá tháng 1/1968. Ông được EDB cử đi mở văn
phòng đại diện nước ngoài đầu tiên tại New York để xúc tiến quảng bá
Singapore là một điểm đến của đầu tư. Đó là một nhiệm vụ khó khăn dễ làm nản
chí. Tăng Chấn Mộc thú nhận: “Tôi chẳng biết chút gì về cách thức tiến hành
việc này. Chẳng ai biết cần phải làm những gì”. Trong khi chậm chạp lê bước
giữa trời tuyết New York, ý nghĩ về khả năng thất bại có thể xảy ra đối với
Singapore đã làm cho Tăng Chấn Mộc thấy ớn lạnh, thậm chí còn nhiều hơn
cảm giác rét vì nhiệt độ băng giá. Về sau Tăng Chấn Mộc viết: “Viễn cảnh phải
tìm một chỗ ở, sống thui thủi một mình và tệ hơn là phải thuyết phục những nhà
quản trị kinh doanh Mỹ cứng đầu tin rằng Singapore là nơi tốt nhất để họ đổ tiền
vào đầu tư… đã làm cho cơ thể gần như đông cứng của tôi phải rùng mình.”
Là một quan chức chính phủ tiêu biểu của Singapore lúc bấy giờ, Tăng Chấn
Mộc không phải là một nhà kinh tế cũng chẳng được học hành, đào tạo gì đặc
biệt để giúp cho ông trong nhiệm vụ lần này. Con đường đến EDB của Tăng
Chấn Mộc bắt đầu từ một cặp mắt kính râm đặt sai chỗ. Lúc gặp S. Dhanabalan,
một nhân viên của EDB, Tăng Chấn Mộc đang làm giám đốc truyền thông cho
chi nhánh của Ford Motor tại Singapore. Dhanabalan đến văn phòng của Ford
để họp với nhà quản lý của công ty này và để quên cặp kính râm của mình tại
một bàn họp. Tăng Chấn Mộc tìm trả lại cặp kính cho Dhanabalan và
Dhanabalan sau đó đã nói với Tăng Chấn Mộc rằng EDB đang cần tuyển một
nhân viên truyền thông chịu trách nhiệm làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng.
Vì thích sự thử thách, Tăng Chấn Mộc đã gia nhập EDB vào năm 1964.
Khi tầm nhìn của Lý Quang Diệu đối với nền kinh tế ngày càng trở nên sáng
tỏ hơn thì vai trò của EDB trong việc biến tầm nhìn đó thành hiện thực cũng rõ
ràng theo. EDB trở thành trung tâm chỉ huy sự nghiệp công nghiệp hóa của
Singapore thông qua đầu tư nước ngoài. Winsemius đề xuất EDB nên mở một