Cự đà xanh
Trong Khu bảo tồn lâu lâu tôi lại bắt gặp cự đà xanh, một loại thằn lằn lớn,
đang phơi nắng trên những tảng đá bằng phẳng dưới lòng sông. Tuy hình
thù không lấy gì ưa nhìn cho lắm, nhưng về màu sắc bạn chẳng thể hình
dung ra thứ nào rực rỡ hơn chúng. Cự đà óng ánh tựa đống đá quý hay
mảnh kính cắt từ cửa sổ nhà thờ cổ. Nếu bạn tiến lại gần, lúc chúng sột soạt
lao vút đi, có một vệt sáng đan quyện các sắc xanh lơ, xanh lá nhạt và tím
ngăn ngắt vương trên mặt đá, vệt sáng ấy như lơ lửng đọng lại phía sau
chúng, tựa cái đuôi sao chổi lấp lánh.
Có bận tôi bắn một con cự đà, cứ ngỡ sẽ dùng da nó làm được thứ gì đẹp
đẽ. Rồi một điều kì lạ khiến tôi chẳng bao giờ quên xảy đến. Trên đường
tới chỗ con vật nằm chết trên tảng đá của mình, thực tế khi tôi chỉ mới tiến
lên vài bước, nó phai dần và chuyển sang xám, tất thảy màu sắc tan biến chỉ
trong một tiếng thở dài, và lúc tôi chạm tới thì nó đã xám xịt giống cục bê
tông. Chính dòng máu sống chảy phừng phừng trong con vật đã tỏa ra toàn
bộ ánh hào quang rực rỡ kia. Giờ khi lửa sống ấy bị dập tắt và hồn phách
tiêu tán, cự đà nằm chết hệt một túi cát.
Từ đó, mỗi bận vì cớ này cớ nọ bắn cự đà, tôi lại thường nhớ về cái con đã
bắn ở Khu bảo tồn. Trên vùng Meru
tôi từng gặp một nàng thanh nữ bản
địa đeo chiếc vòng tay bằng da, có bản rộng hơn năm phân, nạm chi chít
các viên đá nhỏ xíu, màu lam, lấp lóe ánh xanh lá, xanh lơ hay biêng biếc.
Cái vòng sống động phi thường, như phập phồng hít thở trên tay cô gái, nên
vì muốn có được nó tôi đã sai Farah hỏi mua. Nhưng ngay khi tôi được đeo
nó vào tay, hồn chiếc vòng lập tức bay đi và nó chỉ còn là một món đồ mọn
lòe loẹt, rẻ tiền. Sự lung linh sắc màu, bản song tấu của màu lam và “người
da đen
”- sắc đen nâu, trơn láng, mịn mượt, giống than bùn và gốm đen,
của làn da bản xứ - đã tạo ra sự sống cho chiếc vòng.