Chỉ cần mẩu khăn giấy
164
Như ta vừa thấy, con đường SQVID này buộc hệ thống thị
giác của chúng ta phải thay đổi chế độ liên tục khi ta chuyển
từ câu hỏi này sang câu hỏi khác, từ cực này sang cực khác.
(Hãy thử đi. Tôi thề là bạn có thể thực sự cảm thấy trí tưởng
tượng của mình đang vận động hết tốc lực, khi nó nhảy từ việc
miêu tả hình ảnh định tính sang hình dung viễn cảnh, và cứ
thế... Đó là cả một cuộc hành trình.) Sự thay đổi liên tục này
giúp luyện tập cho những ngóc ngách của trí tưởng tượng mà
ta hiếm khi khám phá, buộc ta phải gợi lên được những hình
ảnh mà ít khi ta nghĩ tới. Con đường này rất lý tưởng với việc
tạo ra một số lượng lớn không ngờ các cách thức trình bày ý
tưởng bằng hình ảnh và cho chúng ta rất nhiều góc nhìn để lựa
chọn khi trình bày.
Con đường thứ hai để đi qua quá trình SQVID là làm theo
điều mà ta đoán những khán giả tương lai mong muốn, thay
vì làm theo ý tưởng của riêng mình. Theo cách này, chúng ta
sử dụng SQVID như một chiếc máy chỉnh âm, xác định xem
chế độ nào sẽ hiệu quả nhất với khán giả của mình, bất kể chi
tiết những điều ta định miêu tả là gì. Ví dụ, có thể ta biết rằng
bất cứ khi nào cần chia sẻ ý tưởng với những người quản lý
dự án trong công ty, ta nên thiên về cách trình bày mang tính
định lượng, định hướng thực thi. Nhưng nếu cần nói chuyện
với báo chí, ta sẽ ưu tiên cách miêu tả với hình ảnh đơn giản
về viễn cảnh.