LỜI NÓI ĐẦU
Sinh trưởng tại Hà Nam, vùng đất được coi là chiếc nôi nuôi dưỡng nhiều
nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, Du Tử Lê đã làm thơ và thành
danh rất sớm. Năm 1972, ông được trao Giải thưởng văn chương toàn quốc
cho thơ. Cho đến hôm nay, Du Tử Lê là nhà thơ Việt Nam có thơ được chọn
dùng làm tài liệu giảng dạy tại các đại học nổi tiếng như Havard, Berkeley
và UCLA tại Hoa Kỳ cùng Cambridge tại Anh quốc...
Và điều đáng quý nhất là ông đã sống trọn vẹn cùng văn chương, nghệ thuật
với một sức sáng tác liên tục và bền bỉ, cho ra đời trên 50 tác phẩm thuộc
các thể loại thơ, tùy bút, truyện, sách thiếu nhi,… Thời gian qua, ông đã có
3 đầu sách xuất bản tại Việt Nam: “Thơ Du Tử Lê”, “Biệt khúc”, “Giỏ hoa
thời mới lớn”.
Trong quá khứ cũng như hiện tại, nhiều nhà văn cho rằng đã không có
khoảng cách nào giữa thơ và tùy bút của Du Tử Lê. Hoặc tùy bút của ông
giống như một thứ thơ xuôi vậy.
Những ghi nhận đó, dường như đã đi ra từ những tùy bút gồm những thú
nhận chân thành, thẳng thắn, nhất là ở lãnh vực tình cảm, như trong tùy bút
“Xương, thịt đời sau, máu rất buồn” (có trong tập sách này), ông viết:
“… Tôi nghe một kẻ nào đó, trong tôi, cất tiếng, mách bảo, có tiếc, hận
chăng là, tôi đã không còn đủ thời gian, khí lực để ngỏ lời cảm ơn những
người đọc/ nghe tôi. Những người làm thành tôi. Những tri âm không diện
mạo. Tôi vẫn nói mỗi khi có dịp, ở nhiều nơi khác nhau rằng, nếu không có
người đọc/ nghe thơ, văn của tôi, chắc chắn sẽ không thể có tôi. Không thể
có một sinh vật yếu đuối (cô đơn, tội lỗi) mang tên Du Tử Lê…”