120
I
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
PHẢI CHĂNG “HỌA VÔ ĐƠN CHÍ” LÀ SỐ PHẬN?
Cách đây không lâu, con trai tôi bị tai nạn khi đến chơi
nhà bà ngoại. Tai nạn đã cướp đi của cháu một cánh tay. Suốt
những tháng qua, bố mẹ chồng và hàng xóm thường xuyên lời
ra tiếng vào rằng vì bà ngoại sơ ý nên cháu mới bị như vậy.
Bố mẹ đẻ của tôi rất đau buồn vì chuyện này. Bố tôi vốn bị tiểu
đường biến chứng sau khi cháu bị tai nạn đã ốm liệt giường. Mẹ
tôi thì suy sụp về tinh thần, lúc nào cũng khóc. Tôi rất thương bố
mẹ, chuyện cháu bị như vậy âu cũng là số phận, tôi không thể
cấm bố mẹ chồng hay hàng xóm xì xào, trách móc, vậy tôi nên
an ủi bố mẹ tôi thế nào để các cụ bớt mặc cảm?
Hoàng Lan Chi, Bắc Ninh
Chị Lan Chi và quý quyến kính mến! Cần phải thấy rõ
rằng nỗi đau không thể nào bù đắp được trong câu chuyện
thương tâm của gia đình chị là sự “mất đi cánh tay” của
con trai chị do tai nạn. Do không khéo xử lý cảm xúc trong
đau thương, cha chị “ốm liệt giường”, mẹ chị “suy sụp tinh
thần” và “lúc nào cũng khóc”. Bố mẹ chồng của chị cùng
với những người hàng xóm không thông cảm về chuyện đã
rồi nên có khuynh hướng “lời ra tiếng vào”, khiến chị, người
mẹ đau khổ, lại càng buồn tủi và tiếc nuối nhiều hơn. Để
“giải phóng” nỗi bất hạnh trên một cách an toàn, tôi nghĩ
chị nên nhìn tổng thể vấn đề nhằm nỗ lực chuyển hóa “nỗi
đau chung”, thay vì chỉ tập trung trợ giúp cha mẹ ruột vượt
qua sự day dứt và mặc cảm. Việc trị liệu và hàn gắn này phải
“dần dà” và vô cùng tế nhị, khéo léo; từng bước tạo sự nguôi
ngoai ở từng người, gia tăng sự đồng cảm của các thành viên
và các bên trong cuộc.