Quan hệ vợ chồng I
57
trọng. Trong phần lớn các vụ bạo lực gia đình, người phụ
nữ thường gánh chịu các hậu quả nặng nề, do thói quen cam
chịu, hoặc nghĩ rằng mình mắc nợ chồng, nên ráng trả nợ.
Từ đó, lẽ ra nhanh chóng quyết định sáng suốt, tái xây dựng
cuộc sống, nhiều chị em phụ nữ “cắn răng chịu đựng” tiêu
cực, hủy hoại hạnh phúc mà lẽ ra mình xứng đáng có được.
Khi bạo lực gia đình đã trở thành cá tính...
Chị nên phân tích và đánh giá xem các hành vi bạo lực
gia đình của chồng trong thời gian chung sống là do ảnh
hưởng của rượu bia, những căng thẳng dồn nén, tích tụ hay
do cá tính. Một khi chị đã xác định được tình trạng “sóng gió
liên tục nổi lên” với các diễn biến “cơm chẳng lành, canh
chẳng ngọt” là do cá tính “thóa mạ và hành hung” của chồng,
thì việc nối lại tình xưa là một sai lầm nghiêm trọng. Không
quá khó để nhận ra hành vi bạo lực trong tình huống nào thuộc
dạng cá tính. Các tình huống sau đây giúp chị xác định dễ dàng.
Thứ nhất, người bạo lực là người thuộc mô típ “cục súc”, “thô
bạo” và “thiếu văn hóa”. Thứ hai, các hành vi hung đồ của kẻ
bạo lực xuất hiện rất vô cớ, lãng xẹt. Thứ ba, tần số bạo lực xuất
hiện là “nhiều lần” và “thường xuyên”. Thứ tư, người có hành
vi bạo lực gia đình không có nỗ lực thay đổi hành vi và cũng
không có tiến bộ gì về nỗ lực thay đổi bản thân.
Trong tình huống của chị, sau khi ly hôn hai năm, chồng
cũ của chị đã đến nơi chị ở và đến cơ quan chị “la lối om sòm
và làm phiền” chị, thay vì nhận lỗi, hối cải và nỗ lực “nối
lại tình xưa”. Rất may là người thân trong gia đình và bạn
bè trong cơ quan đều thấy rõ không có tương lai trong việc
tái hôn với chồng cũ nên đã khuyên chị mạnh dạn dứt khoát.
Vấn đề còn lại là chị cần sáng suốt nhận thấy nguy cơ bất
hạnh tiềm ẩn của việc tái giá, để quyết định của chị không bị
cảm xúc “mủi lòng” dẫn dắt.