Năm 1634, hút thuốc lá là việc làm phạm pháp tại Nga. Hình phạt cho
những người vi phạm vô cùng khắc nghiệt - cắt môi, quất bằng roi, bị hoạn,
hoặc bị lưu đày. Năm mươi năm sau, lệnh cấm hút thuốc mới được dỡ bỏ
bởi Sa hoàng Pie Đại đế, một người hút thuốc, đã khuyến khích việc sử
dụng thuốc lá. Cũng như khi mang ớt đỏ chứa hợp chất capsaicin alkaloid
đi khắp thế giới, các thủy thủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đưa thuốc
lá và nicotine alkaloid đến mọi bến cảng họ đi qua. Đến thế kỷ 17, việc hút
thuốc lá đã lan rộng khắp phương Đông, và những hình phạt hà khắc nhất,
bao gồm cả tra tấn, cũng không thể làm giảm được sự phổ biến của nó. Mặc
dù tại một số quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Persia, vào thời đó
chính quyền đã đưa ra phương pháp xử lý cuối cùng cho chứng nghiện
thuốc lá - tử hình - nhưng ngày nay việc hút thuốc cũng vẫn phổ biến tại
các quốc gia này như tại bất kỳ quốc gia nào khác.
Ban đầu, nguồn cung thuốc lá trồng tại châu Âu không đáp ứng được
nhu cầu sử dụng. Các thuộc địa của Tây Ban Nha và Anh quốc nhanh
chóng bắt đầu phát triển cây thuốc lá để xuất khẩu. Canh tác thuốc lá là
công việc đòi hỏi nhiều sức lao động, cỏ dại phải được kiểm soát tốt, cây
phải được cắt để giữ chiều cao phù hợp, chồi rễ mút phải được tỉa, phải diệt
sâu bọ, và lá phải được thu hoạch thủ công và sắp xếp để phơi khô. Những
công việc này tại các đồn điền thuốc lá chủ yếu do các nô lệ thực hiện. Như
vậy, cùng với glucose, cellulose và indigo, nicotine là một phân tử khác liên
quan đến chế độ nô lệ tại Tân Thế Giới.
Có ít nhất mười loại alkaloid trong thuốc lá, và alkaloid chủ yếu là
nicotine. Hàm lượng nicotine trong lá thuốc lá vào khoảng 2-8%, tùy thuộc
phương thức canh tác, khí hậu, thổ nhưỡng, và quá trình xử lý lá thuốc. Với
liều lượng rất nhỏ, nicotine là chất kích thích hệ thần kinh trung ương và
tim, nhưng sau đó, hoặc với liều lượng cao hơn, nó hoạt động như một chất
gây ức chế. Điều dường như là một nghịch lý này được giải thích là do
nicotine có khả năng bắt chước vai trò của một chất dẫn truyền thần kinh.