Phương trình hóa học này cho ta biết tỷ lệ của các hóa chất ban đầu tham
gia phản ứng và tỷ lệ các sản phẩm tạo thành. Ký hiệu (s) nghĩa là hợp chất
ở thể rắn (solid), và (g) là ở thể khí (gas). Có thể thấy rằng tất cả các
nguyên liệu đều ở thể rắn, nhưng có tám phân tử khí được tạo thành: ba
phân tử carbon dioxide; ba phân tử carbon monoxide và hai phân tử nitơ.
Chính các phân tử khí nóng và giãn nở tạo thành từ sự cháy rất nhanh của
thuốc súng tạo ra động lực để bắn các viên đạn súng trường hoặc đạn đại
bác. Các phân tử kali carbonate và kali sulfide thể rắn được hình thành ở
dạng các hạt muội nhỏ tạo nên màn khói dày, đặc trưng cho thuốc súng khi
nổ.
Được chế tác lần đầu vào khoảng thời gian từ 1300 đến 1325, loại súng
cầm tay đầu tiên, súng kíp, là một ống sắt nhồi thuốc súng được kích cháy
bằng một sợi ngòi đốt nóng. Khi các loại súng cầm tay tinh vi hơn dần
được phát triển (súng hỏa mai, súng nòng dài, súng kíp bánh xe), nhu cầu
về mức độ phát cháy khác nhau của thuốc súng đã trở nên cấp thiết. Súng
lục cần thuốc súng cháy nhanh, súng trường cần loại cháy chậm, đại bác và
tên lửa cần loại thuốc cháy chậm hơn nữa. Hỗn hợp nước và cồn được dùng
để sản xuất thuốc súng dạng bánh và có thể được nghiền và rây để chọn ra
các loại thuốc súng có kích thước mịn, trung bình và thô. Thuốc súng càng
mịn thì tốc độ cháy càng nhanh, do đó đã có thể sản xuất thuốc súng phù
hợp với nhiều ứng dụng khác nhau. Nước sử dụng trong hỗn hợp thường là
nước tiểu của công nhân trong nhà máy thuốc súng. Nước tiểu của một
người nghiện rượu nặng được cho là sẽ tạo ra loại thuốc súng có sức công
phá mạnh. Nhiều người cũng tin rằng nước tiểu của một tu sĩ, hoặc tốt hơn
nữa là của một giám mục, sẽ tạo thành sản phẩm thuốc súng ưu việt.
Hóa học cháy nổ