học vì ông không thể mở cánh cửa gara điện mới (chạy bằng transistor) của
mình. Nhưng khi đến Stockholm lần thứ hai, ông đã dẫn theo hai con trai tới
diện kiến nhà vua Thụy Điển, lời hứa từ lần nhận giải trước vào những năm
1950.
Nếu nguyên tố được làm lạnh xuống dưới cả nhiệt độ siêu dẫn, các nguyên
tử sẽ chồng lên nhau và nuốt chửng lẫn nhau, một trạng thái gọi là “tính kết
hợp” (coherence). Tính kết hợp rất quan trọng để hiểu về trạng thái vật chất
bất khả thi mà Einstein phát hiện ra ở phần trước. Để hiểu được tính kết hợp,
ta cần rẽ ngang và đi đường vòng một chút để tìm hiểu về bản chất của ánh
sáng, cùng với những nguyên tố liên quan và một phát minh cũng từng được
cho là bất khả thi khác: laser.
Hiếm có thứ gì khiến con mắt thẩm mỹ lạ lùng của các nhà vật lý sáng rực
lên như bản chất lưỡng tính mơ hồ của ánh sáng. Chúng ta thường coi ánh
sáng là sóng. Trên thực tế, Einstein đưa ra được Thuyết Tương đối Hẹp phần
nào là nhờ nghĩ về việc không gian sẽ ra sao, thời gian sẽ trôi (hoặc không
trôi) như thế nào nếu ông cưỡi trên những sóng đó. (Đừng hỏi tôi ông tưởng
tượng ra những điều này như thế nào.) Đồng thời, Einstein đã chứng minh
rằng ánh sáng đôi khi cũng hoạt động dưới dạng hạt là photon. Kết hợp các
quan điểm sóng và hạt (lưỡng tính sóng-hạt), ông suy luận chính xác rằng
ánh sáng không chỉ nhanh nhất vũ trụ, mà nó thực sự là thứ nhanh nhất có
thể với tốc độ 300.000 km/s trong chân không. Ánh sáng xuất hiện dưới
dạng sóng hay photon phụ thuộc cách đo, vì ánh sáng không hoàn toàn là
sóng hay hạt.
Dù đạt được tốc độ cực hạn trong chân không nhưng ánh sáng bị chậm lại
khi tương tác với một số nguyên tố. Natri có thể làm chậm ánh sáng xuống
chỉ còn khoảng 16,98 m/s, chậm hơn âm thanh cỡ 20 lần. Praseodymi thậm
chí có thể “bắt” được ánh sáng như bắt một quả bóng chày, giữ nó trong vài
giây rồi “ném” sang một hướng khác.