Các nhà khoa học nhận thấy một điều đáng báo động trong quá trình hiệu
chuẩn vào những năm 1990: tính cả các nguyên tử bị bong ra khi có người
chạm vào nó thì trong vài thập kỷ qua, Kilogram Chuẩn đã mất thêm nửa
microgram mỗi năm – khối lượng tương đương với một dấu vân tay! Không
ai biết tại sao.
Chính thất bại trong việc giữ cho Kilogram Chuẩn hoàn toàn không đổi đã
đổi mới nội dung thảo luận về giấc mơ tối thượng của mọi nhà khoa học bị
ám ảnh bởi khối trụ này: họ cân nhắc không dùng nó nữa. Đa phần tiến bộ
khoa học đạt được từ khoảng năm 1600 nhờ việc áp dụng một quan điểm
khách quan về vũ trụ (bất cứ khi nào có thể): không-lấy-con-người-làm-
trung-tâm. (Đây được gọi là Nguyên lý Copernicus hay kém sang hơn là
Nguyên lý Tầm thường.) Kilogram là một trong bảy “đơn vị đo lường cơ
bản” được sử dụng trong mọi ngành khoa học, và nay bất kỳ đơn vị nào dựa
trên vật thể nhân tạo đều không còn được chấp nhận nữa, đặc biệt là nếu nó
teo đi một cách bí ẩn.
Văn phòng tiêu chuẩn quốc gia Anh đưa ra mục tiêu với mọi đơn vị là: một
nhà khoa học gửi định nghĩa của nó qua email cho đồng nghiệp ở lục địa
khác, và người đó có thể tái tạo ra nó với đúng các kích thước chỉ nhờ mô tả
trong email. Bạn không thể gửi Kilogram Chuẩn qua email, và chưa ai từng
đưa ra một định nghĩa đáng tin cậy hơn khối trụ mập lùn, bóng loáng được
cưng chiều nhất mực ở Paris. (Các nhà khoa học đang thu hẹp khoảng cách,
nhưng tính đến giờ thì những ý tưởng hay nhất lại quá tỉ mẩn đến mức
không khả thi như đếm hàng ngàn ngàn ngàn tỷ nguyên tử, hoặc các phép đo
đòi hỏi độ chính xác vượt xa các công cụ tốt nhất hiện nay.) Câu hỏi hóc búa
chưa có lời giải về Kilogram Chuẩn, ngăn nó co lại hay ngừng sử dụng nó
đã và đang trở thành một mối lo quốc tế ngày càng tăng (ít nhất là với bọn
kỹ tính như chúng tôi).
Nỗi lo càng trầm trọng hơn vì kilogram là đơn vị đo lường cơ bản cuối cùng
bị ràng buộc bởi sự nghiêm ngặt của con người. Một thanh bạch kim ở Paris
được dùng làm nguyên mẫu cho đơn vị “mét” trong hầu hết thế kỷ 20, trước