- Quá cao.
- Chúng ta phải làm gì tiếp đây? – Đại úy hỏi.
- Bảo vệ và giữ gìn cho Imre như con ngươi của tròng mắt vậy! – Im
lặng khoảng một phút, trung tá thở dài. – Tôi có thể nói sơ qua rằng tôi đã
chuẩn bị một trận đấu lớn, nhưng sợ rằng nói đến chuyện ấy bây giờ thì còn
quá sớm.
Tòa nhà xây cất để cho thuê màu xám xịt, loại nhà quen thuộc đối với
nhiều người có từ đầu thế kỷ, kiểu như tòa nhà Phượng hoàng này, cho đến
nay vẫn cứ nhô lên lù lù một khối trông rất dị hợm chen giữa những ngôi
nhà nhỏ một tầng ở quận Lipotvaros của thủ đô.
Mãi tận tầng bốn, trên một cánh cửa dẫn vào trong phòng có treo một
tấm biển nhỏ bằng đồng đã ngả màu: “Kerekes Balintner, quả phụ”.
Thomas Phoster bước đến đúng chiếc cửa này, mở khóa rồi khóa cửa lại
bằng chìa khóa riêng. Hắn buộc sợi xích bằng thép và quay người lại – một
bà già khô đét vừa bước từ nhà bếp ra đang đứng trước mặt hắn.
- Anh đấy ư, anh bạn thân mến? Cuối cùng rồi anh bạn cũng đã về. – Bà
già nói giọng đớt. – Thế mà tôi cứ đợi mãi. Anh nhìn xem, tôi đã nhìn thấy
cái gì ở dưới cửa này. – Bà già rút từ trong túi tạp –dề ra một chiếc phong
bì. – Tôi đã định bóc nó ra nhưng bỗng nhận ra rằng bức thư không phải
gửi cho tôi mà là gửi cho anh bạn. May mà tôi có kính để đọc. Tôi cũng
thường hay nhận được những bức thư từ dưới khe cửa. Thằng cháu Robert
của tôi bao giờ cũng gửi tiền cho tôi theo cách thức ấy. Còn ai đem chúng
đến thì hình như nó không muốn để lộ ra cho tôi biết, mà tôi thấy như vậy
có lẽ lại tiện hơn. Tôi khỏi cần phải chầu chực ở ngân hàng làm thủ tục
chuyển tiền. Mong sao Chúa trời giữ trọn cái thói quen tốt này của nó.
Bà già vung vẩy chiếc phong bì trong tay, quên hẳn mình cần phải trao
nó cho người nhận.
- Rốt cuộc, tôi có thể nhận bức thư ấy chứ? – Hắn trâng tráo giật chiếc
phong bì trên tay bà lão và đi thẳng vào phòng riêng của mình.
- Lúc nào anh bạn cũng cáu kỉnh như thế. – Bà già phật ý. – Hãy coi
chừng, tính khí như vậy dễ chết sớm lắm đấy. – Bà già khịt mũi, quay lưng
trở vào nhà bếp.