nhiều công nhân sửa chữa đường ray ngay sau khi Mỹ vừa ném bom phá
hủy. Họ đã rời Việt Nam ngay sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, sau
lễ Giáng sinh năm 1972.
Giáo sư Harvey Nelsen, chuyên gia về quân đội Trung Quốc và nhà
phân tích tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố: “Thời đó chúng tôi
có biết về sự có mặt của họ nhờ các cơ quan tình báo của chúng tôi... Chính
Trung Quốc sau này cũng đưa ra con số mười hai vạn. Chúng tôi nghĩ rằng
họ không có quá con số hơn tám vạn”.
Trong lúc ở Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp thảo luận vấn đề Khmer Đỏ
với người Trung Quốc. Nhiều năm trước Việt Nam đã bảo vệ và ủng hộ
những người du kích Campuchia chống Chính phủ của Hoàng thân
Sihanouk. Tình hình thay đổi khi ban lãnh đạo Khmer Đỏ lật đổ Chính phủ
quân sự của Lon Nol tháng 4/1975. Các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ trượt nhanh
trên sự tàn bạo cổ sơ của họ.
Đối với Khmer Đỏ, năm 1975 là năm “số không”, một dịp để tàn phá
hủy diệt đất nước Campuchia. Họ vứt bỏ di sản của chính họ, tàn sát hàng
trăm nghìn đồng bào của họ để tạo nên một chính thể cộng sản không tưởng.
Pol Pot đuổi hết dân ra khỏi các thành phố, bắt họ làm việc trên những cánh
đồng cho đến kiệt sức mà chết. Nước “Kampuchea” của họ, nói theo từ ngữ
của phóng viên báo New York Times, trở thành “cánh đồng hủy diệt” một
phần ba dân số trong nước. Một số may mắn chạy thoát được ra nước ngoài.
Hàng trăm ngàn người di tản sang Việt Nam. Những người quan sát tại chỗ
được chứng kiến một cách khiếp sợ những bạo hành ngày càng dã man của
Pol Pot.
Quân đội Khmer Đỏ không những chà đạp đất nước họ mà còn tiến
hành các cuộc xâm lược qua biên giới đánh vào các làng xóm của Việt Nam,
thường xuyên vi phạm đường biên giới. Khmer Đỏ giải thích rằng họ đi tìm
những kẻ chạy trốn để đưa về đất nước họ. Có những cuộc giết chóc man rợ
xảy ra vào tháng trước khi Võ Nguyên Giáp đến Bắc Kinh. Trung Quốc tiếp