lập ở Huế. Đó là tờ báo quan trọng nhất ở Trung Kỳ theo xu hướng cải
lương. Mặc dù Phòng Nhì theo dõi sát sao Huỳnh Thúc Kháng và những
người làm việc cùng, kiểm soát chi ly từng dòng chữ trong mỗi bài báo
nhưng vẫn để tờ báo hoạt động trong một thời gian.
Võ Nguyên Giáp lao vào công việc mới và nhanh chóng nắm bắt được
các công đoạn của một tờ báo cũng như các ngóc ngách của nghề báo. Ông
đọc mọi vấn đề, từ các bài bình luận về thời cuộc trên thế giới cho đến các
bài phân tích về vấn đề xã hội. Ông sắp trang xếp mục một cách rất chu đáo
tỉ mỉ, bỏ công sức tìm câu chữ chính xác phản ánh đúng những gì mình
muốn nói.
Ông đã viết một bài điều tra về sự bóc lột tư bản chủ nghĩa Pháp ở Việt
Nam có nhan đề Những xí nghiệp có vốn trên một triệu đồng. Bài báo bị nhà
đương cục Pháp kiểm duyệt rất kỹ. Chính tư cách tác giả bài báo cùng cách
thức kiểm duyệt đã có ảnh hưởng lâu dài đối với chiến thuật mà ông vận
dụng sau này.
Võ Nguyên Giáp biết mình bị Phòng Nhì thường xuyên theo dõi, giám
sát chặt chẽ và biết Phòng Nhì có thể chấm dứt công việc làm báo cũng như
nhiệm vụ của mình với Tân Việt bất cứ lúc nào, nên để che giấu mọi hoạt
động, Giáp dùng nhiều bút danh khác nhau khi ký tên vào các bài báo. Sau
này ông nhớ được hai bút danh khi làm việc ở báo Tiếng Dân: Vân Đình và
Hải Thanh. Ông tìm cách kéo dài thời gian làm việc ở tòa soạn báo Tiếng
Dân, tránh mọi khó khăn với nhà cầm quyền, và nghe ngóng mọi tin đồn về
quan hệ ngày càng căng thẳng ở Việt Nam giữa người dân và nhà cầm quyền
thuộc địa. Ông cố nén lòng chờ đợi một ngày kia sẽ có lúc dòng máu cách
mạng ào ào tuôn chảy.
Sắp đến ngày Việt Nam Quốc dân Đảng ấn định thời gian khởi sự cuộc
nổi dậy năm 1930, Nguyễn Thái Học ra lệnh cuộc tiến công sẽ nổ ra đồng
thời ở Hưng Hóa, Lâm Thao và Hà Nội, đòn đầu tiên sẽ nhằm vào một đồn
binh đóng gần tỉnh lỵ Yên Bái trên một khúc quanh của sông Hồng cách Hà