mình là “trung thực” sẽ không thò tay lấy tiền và những ai không có quan
điểm tương tự chắc chắn sẽ chớp thời cơ.
Tôi nhớ mình có xem bộ phim hoạt hình Kỷ Băng Hà 2 (Ice Age 2),
trong đó phác họa rõ nét sức mạnh của việc nhìn nhận bản thân. Trong phim
có nhân vật voi ma-mút (loài voi thời tiền sử) tên là Ally, vốn bị lạc bầy từ
khi còn bé xíu. Ally được gia đình chuột possum mang về nuôi nấng. Lớn
lên cùng nhà chuột, nó bắt đầu tin rằng mình cũng là một con chuột
possum.
Kết quả? Ally hành xử không khác gì một con chuột possum. Nó lăn
đùng ra giả chết bất cứ khi nào thấp thoáng bóng dáng thú săn mồi, như đại
bàng lượn trên đầu chẳng hạn. Nó treo ngược người trên thân cây để ngủ,
và bỏ chạy trối chết khi con vật khác đến gần. Nó chưa bao giờ ý thức được
rằng mình là một con voi ma-mút, loài vật to lớn và mạnh mẽ nhất trên cạn.
Một ngày kia, Ally gặp một chàng voi ma-mút tên là Manny. Manny tìm
mọi cách thuyết phục Ally tin rằng nó là voi ma-mút chính gốc, đừng có hở
tí là bỏ chạy khi có chuyện xảy ra.
Manny đưa Ally đến bên vũng nước và bảo nó nhìn vào bóng mình trong
nước để biết mình thật sự là ai. Ally làm theo, rồi nó la toáng lên, “mình là
một con chuột possum béo ú!” Nó vẫn không tin mình là voi ma-mút, dù
bằng chứng rành rành trước mắt. Bài học rút ra từ bộ phim này là gì?
Nhiều người trong chúng ta mạnh mẽ không khác gì loài voi ma-mút.
Chúng ta mang trong mình tiềm năng to lớn và thừa khả năng làm được
những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Thế nhưng, trong quá trình sống, vì
một lý do nào đó, những người chung quanh khiến ta tin rằng mình là kẻ
“lười nhác”, “bất hạnh”, “kém cỏi”, “yếu đuối”… Vào thời điểm chúng ta
tin rằng mình chỉ là người bình thường, chúng ta bắt đầu hành xử như người
bình thường. Chúng ta hạ thấp chuẩn mực sống, giới hạn niềm tin và thái độ
sống của chính mình. Thậm chí khi có dịp thể hiện tài năng thật sự, chúng
ta vẫn bị kiềm chế bởi tư duy thiển cận và từ chối nhìn nhận sự thật.