Quá trình hình thành thói quen
Thế thì tại sao chúng ta lại có thói quen? Thói quen là công cụ cần thiết
giúp chúng ta sống hiệu quả hơn. Nếu bất kỳ hoạt động/suy nghĩ nào dù lớn
dù nhỏ ta đều phải để tâm thực hiện một cách ý thức, chắc chúng ta sẽ điên
mất! Chúng ta sẽ chẳng còn thời gian để suy nghĩ về những thứ khác.
Rất nhiều việc ta làm đều được não bộ tự động điều khiển một cách
chuẩn xác. Chúng ta đánh răng, ăn uống, đi lại và lái xe mà không cần suy
nghĩ xem phải làm thế nào. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn phải chủ ý quyết
định cầm bàn chải bằng tay phải hay tay trái để đánh răng mỗi sáng thức
dậy. Hay bạn phải suy nghĩ để điều khiển hai chân bước lên thang cuốn, đạp
thắng, kiểm tra gương chiếu hậu rồi vào số xe… thì nội việc lái xe không
thôi cũng đã đủ căng thẳng lắm rồi. Bởi con người có khả năng thực hiện
mọi việc một cách vô thức, nên chúng ta có thể lái xe, nghe nhạc và nói
điện thoại cùng lúc (dĩ nhiên không ai khuyến khích điều này). Và bởi ta đã
biến những hoạt động ấy thành thói quen, nên đầu óc ta được giải phóng,
chừa chỗ cho việc sáng tạo ý tưởng và đương đầu với thử thách mới.
Bạn nghĩ xem, nếu một phi công phải quan sát bầu trời và kiểm soát hệ
thống lái một cách có ý thức suốt 20 giờ bay liên tục, anh ấy chắc sẽ kiệt
sức. Cài chế độ lái tự động cho máy bay cho phép phi công nghỉ ngơi và tập
trung vào những việc khác. Trong khi những thói quen tốt cực kỳ hữu ích
trong việc giúp chúng ta vươn đến những mục tiêu và thành công trong
cuộc sống thì những thói quen xấu chỉ mang đến thất bại và hủy hoại chúng
ta. Nếu chiếc máy bay được lập trình bay thẳng vào ngọn núi cao trước mặt,
chắc chắn thảm họa sẽ xảy ra.
Vậy thói quen được hình thành bằng cách nào? Mỗi một thói quen ngày
hôm nay của chúng ta bắt nguồn từ một quyết định có chủ đích và một hành
động trong quá khứ. Ví dụ, nhiều năm trước, bạn hay tự nhủ mỗi khi bước
chân về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, “giờ mà ngồi xem ti-vi thì hay
biết mấy?” Vậy là bạn bật ti-vi lên xem một cách chủ ý. Nếu hành động này