Bạn chấp nhận mức thu nhập bao nhiêu?
Bạn sẽ luôn đạt được mức thu nhập khiến bạn hài lòng, không hơn không
kém. Ví dụ, bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu tỉ phú Donald Trump có 1
triệu đô trong tài khoản ngân hàng? Ông ấy hẳn sẽ thấy mình sao mà nghèo
khổ quá, chật vật quá, đúng không? Bởi con số đó nằm ngoài vùng tài chính
thoải mái của ông. Kết quả là ông sẽ làm mọi cách để quay lại mức một tỉ
đô, như trước nay vẫn thế. Sự cố này đã từng xảy ra vào khoảng những năm
80, khi giá bất động sản đột nhiên rớt thảm hại, Trump mất hàng tỉ đô vào
mớ bất động sản đầu tư của mình. Khối tài sản 1,6 tỉ đô ban đầu bỗng chốc
tan thành mây khói, ông gần như phá sản hoàn toàn với món nợ khổng lồ
lên tới 900 triệu đô.
Thay vì nản chí, ông quyết tâm lấy lại những gì đã mất. Ông biết mình sẽ
tìm được cách vì đây là việc mà ông phải làm. Sau 5 năm làm việc cật lực,
ông trở lại làm tỉ phú, lần này tổng tài sản của ông trị giá 3 tỉ đô, gần như
gấp đôi con số trong quá khứ. Ngưỡng chấp nhận về tài chính của ông phải
tính bằng tiền tỉ, bởi vậy mà ông không bao giờ để mình rớt xuống hàng
triệu.
Vậy thì, bạn muốn có thu nhập bao nhiêu? Vài tỉ, vài triệu, vài trăm ngàn,
vài ngàn, vài trăm đô hay chỉ đừng rơi vào cảnh không một xu dính túi là
được? Một số người an phận với mức thu nhập sít sao đủ để trang trải qua
ngày. Thế nên họ chỉ kiếm được đúng số tiền đó. Một số người thậm chí
còn chấp nhận mức thu nhập đủ để trả cho những món cấp bách nhất, kết
quả là họ cũng chỉ kiếm được vừa khít để mua nhu yếu phẩm. Số còn lại chỉ
ưng ý khi hầu bao luôn sẵn sàng để mua bất kỳ thứ gì họ muốn và vẫn còn
dư ra một khoản làm từ thiện hoặc đầu tư cho tương lai. Và đó chính xác là
những gì họ kiếm được.
Bạn có thể học tất cả những kỹ năng và chiến lược làm giàu, nhưng nếu
bạn không nâng ngưỡng thu nhập chấp nhận “phải có” lên, tiềm lực tài
chính của bạn sẽ chỉ quanh đi quẩn lại nhiêu đó mà thôi.