Những ý nghĩ lo lắng đó xâm chiếm lòng tôi. Và chính vì thế, tôi càng
khát khao được về đơn vị. Thật là sung sướng nếu được về bất kỳ quân khu
nào ở phía Tây, nhưng thích nhất vẫn là quân khu Ki-ép, nơi tôi đã công tác
trước khi đi học. Tôi hiểu rằng trong tình hình không yên này, quân đội rất
cần những cán bộ chỉ huy đã được huấn luyện những điều cần thiết về tác
chiến ở quy mô chiến dịch tại Học viện Bộ Tổng tham mưu.
Trong khi đợi Ki-ép trả lời, phòng khám bệnh của học viện cho tôi đi an
dưỡng ở Ki-xlô-vốt-xcơ. Lúc này không phải lên lớp nên tôi vui lòng nhận
lời và ba ngày sau đã được tận hưởng thiên hiên tuyệt diệu của miền Bắc
Cáp-ca-dơ.
Tại đây, tôi gặp nhiều người quen. Là quân nhân, ngay cả trong lúc nghỉ
ngơi rỗi rãi, chúng tôi vẫn không thể không nói chuyện về công tác quân sự
và tình hình châu Âu.
Anh em ca ngợi hoạt động sôi nổi của đồng chí X. C. Ti-mô-sen-cô, bộ
trưởng mới Bộ dân ủy quốc phòng, những cố gắng của đồng chí nhằm nâng
cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, củng cố kỷ luật hơn nữa. Thiếu
tướng M. I. Pô-ta-pốp ở quân khu Ki-ép đến, hào hứng kể chuyện về việc
bắt đầu thành lập những quân đoàn cơ giới, việc sắp sửa thay thế những xe
tăng kiểu cũ bằng loại xe mới tuyệt diệu.
Những ngày nghỉ nhanh chóng trôi qua. Song ngay trong lúc nghỉ nơi,
tôi vẫn băn khoăn với ý nghĩ: đồng chí Giu-cốp sẽ trả lời như thế nào? Khi
đã hết hy vọng thì nhận được điện báo. Đại tướng Giu-cốp báo tin, theo yêu
cầu của đồng chí, bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng đã điều tôi về đặc khu
Ki-ép. Tôi được lệnh đến ngay Ki-ép.
Ở Mát-xcơ-va, tại Cục cán bộ chỉ huy, tôi được đọc lệnh của bộ trưởng
Bộ dân ủy quốc phòng cử tôi làm trưởng phòng tác chiến bộ tham mưu tập
đoàn quân 12. Tôi cũng được phép đọc cả bản nhận xét mới nhất trong thời
gian của Ban giám đốc học viện.
Đôi khi, người ta vẫn nhắc đến câu thành ngữ: “thức khuya mới biết đêm
dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân”. Có thể nói như vậy đối với trung