ngày sau, những binh đội của binh đoàn này đã tham chiến ở khu vực làng
Mư-sê-lốp-ca, và nơi đây đã trở thành cái bẫy chuột(Tác giá chơi chữ: tên
làng Mư-sê-lốp-ca trong tiếng Nga có nghĩa là cái bẫy chuột. – ND.) thực
sự đối với quân địch: hàng trăm tên lính phát-xít đã sa vào chiếc bẫy đó.
Có thêm sư đoàn bộ binh 284 bước vào tham chiến, bộ đội tập đoàn quân
37 đã khôi phục được những cuộc phản kích với một sức mạnh mới, và
ngày 12 tháng Tám, địch đã bị đè bẹp. Các dũng sĩ bảo vệ Ki-ép bắt đầu
dần dần, nhưng liên tục đẩy địch lui xuống phía Nam.
Trong những ngày đó, chúng tôi đã tiếp nhận được một số khẩu đội súng
cối phản lực “Ca-ti-u-sa” mà hồi đó Phương diện quân Tây – Nam còn
chưa biết tới. Sáng 15 tháng Tám, “Ca-ti-u-sa” dội lửa vào dải tiến công
của sư đoàn bộ binh 147. Các loạt đạt đã gieo rắc nỗi kinh hoàng và khủng
khiếp cho địch. Hôm sau, Pô-tê-khin báo cáo là ở những vùng bị ăn đạn
“Ca-ti-u-sa”, hàng ngũ địch đã trở nên rối loạn, chúng phải rời bỏ trận địa.
Súng cối phản lực của ta xuất hiện đã gây biết bao phấn chấn đối với các
chiến sĩ và cán bộ chỉ huy!
Dù hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, các chiến sĩ cao xạ và
chiến sĩ lái máy bay vinh quang của chúng ta vẫn góp phần đánh trả có kết
quả cuộc tổng công kích của địch.
Không quân phát-xít điên cuồng hoạt động. Bộ chỉ huy cụm các tập đoàn
quân “Nam” ngày càng thấy khó có thể chiếm được thành phố, nên ra sức
sử dụng không quân bắn phá cầu, cắt đường vận chuyển, hòng làm nhụt
tinh thần của các chiến sĩ bảo vệ Ki-ép. Được máy bay tiêm kích yểm hộ,
từng dàn máy bay ném bom của địch loạt tới thành phố và các chỗ vượt
sông. Nhưng ưu thế gấp bội về không quân cũng không giúp được gì cho
kẻ địch. Các chiến sĩ lái máy bay của ta hiệp đồng chặt chẽ với pháo cao xạ
đã bảo vệ vững chắc bầu trời Ki-ép. Nếu có những chiếc máy bay nào đó
của địch lọt tới cầu thì pháo cao xạ cùng với máy bay tiêm kích của ta lập
tức đánh trả quyết liệt và bắn chính xác, khiến chúng không thể ném bom
trúng mục tiêu. Địch vội vã trút bom bừa bãi và tháo chạy. Do đó, trong