Kiếc-pô-nô-xơ hài lòng gật đầu:
– Như vậy là được. Đồng chí Tu-pi-cốp hãy đích thân kiểm tra việc vượt
sông của quân đoàn 27. Ngoài ra cần áp dụng những biện pháp khẩn cấp để
phá cầu ở Ô-cu-ni-nô-vô và thủ tiêu bàn đạp đã bị địch chiếm. Lại còn phải
gấp rút xây dựng tuyến phòng ngự dọc theo sông Đê-xna ở Ô-xti-ô-rơ.
Chúng ta còn có thể phái thêm tới đây những gì nữa?
Tu-pi-cốp nói là gần đây có một đại đội lính thủy đánh bộ, lữ đoàn đổ bộ
đường không 212 và đại đội cao xạ thuộc sư đoàn của Ma-gi-rin.
Kiếc-pô-nô-xơ cho rằng như vậy còn ít. Đồng chí ra lệnh phải tung ngay
vào đấy một phần lực lượng của các khu vực khác, trong đó có cả lực lượng
của khu vực cố thủ Ki-ép, trước hết là của sư đoàn 44 của tướng G. N. Mi-
cu-sép và của các quân đoàn đổ bộ đường không. Đồng chí quyết định cử
một cán bộ chỉ huy tháo vát thuộc bộ tham mưu phương diện quân trực tiếp
tới đoạn Ô-cu-ni-nô-vô để tìm hiểu tình hình và báo cáo tỉ mỉ diễn biến ở
đó.
– Đồng chí Tu-pi-cốp, đừng để chậm, - Kiếc-pô-nô-xơ sốt ruột khoát tay.
– Đồng chí hãy đi ngay và ra mọi chỉ lệnh cần thiết.
Điều gì xảy ra ở bến vượt sông Ô-cu-ni-nô-vô?
Tham mưu trưởng bộ đội phòng không của phương diện quân là thiếu tá
V. A. Pen-cốp-xki được cử đến đây trở về có vẻ buồn bã và trông như già
hẳn đi. Đây là những điều đồng chí thuật lại.
Chiếc cầu được hai tiểu đoàn pháo cao xạ và một phân đội nhỏ thuộc sư
đoàn 4 Bộ dân ủy nội vụ của Ph. M. Ma-gi-rin bảo vệ. Ban đêm, trước khi
xe tăng địch đột nhập, không hiểu sao tư lệnh tập đoàn quân 37 lại điều một
tiểu đoàn pháo sang khu vực khác. Hai bên bờ sông gần cầu, nhân dân địa
phương đã xây dựng những công trình phòng ngự vững chắc, một số hỏa
điểm nối liền với nhau qua hệ thống giao thông hào, và công sự bộ binh.
Nhưng những công trình này còn trống vì những phân đội phải chiếm lĩnh
đã chưa đến kịp. Ở đây cũng không có một khẩu pháo chống tăng nào.