KẾ HOẠCH PHÒNG THỦ
Hai ngày sau, tư lệnh lại gọi tôi lên. Trong phòng làm việc của đồng chí
có Va-su-ghin và Puốc-ca-ép. Yên lặng chỉ ghế cho tôi, Kiếc-pô-nô-xơ mở
cặp đựng tài liệu về kế hoạch phòng thủ biên giới.
– Tôi nghĩ rằng, - đồng chí bắt đầu nói, nhấn mạnh từng chữ, - từ lúc
tuyên bố động viên cho đến lúc các lực lượng lớn bắt đầu hoạt động tích
cực ở biên giới thì chỉ là một khoảng thời gian nào đó thôi. Trong chiến
tranh thế giới thứ nhất, thời gian đó là mấy tuần lễ, còn trong điều kiện hiện
nay, tất nhiên, nó sẽ ít hơn nhiều. Nhưng, dẫu sao chúng ta cũng có được
vài ngày. Cho nên, chúng ta có thể tách ra một lực lượng tối thiểu để phòng
thủ biên giới quốc gia, sử dụng lực lượng tối thiểu để phòng thủ biên giới
quốc gia, sử dụng lực lượng còn lại tùy theo tình hình cụ thể. Chắc là ta sẽ
phải xây dựng một cánh quân xung kích mạnh nhằm phản công quyết liệt
bọn xâm lược. – Kiếc-pô-nô-xơ rút trong cặp bảng tính của chúng tôi: - Thế
tôi hỏi các đồng chí: liệu chúng ta có tập trung quá nhiều bộ đội ở biên giới
không?
Không ai trả lời. Tư lệnh đặt tờ giấy xuống và nói tiếp:
– Theo tôi, quá nhiều. Tôi cho cho rằng cần rút bớt ở mỗi khu vực phòng
thủ biên giới của tập đoàn quân ít ra là một sư đoàn bộ binh. Như vậy,
chúng ta sẽ dễ dàng xây dựng được một cánh quân xung kích đủ mạnh và
tung nó sang phía địch. Các đồng chí cần nhớ rằng nếu bị tiến công, chúng
ta phải nhanh chóng tổ chức đánh trả.
– Ừ, Puốc-ca-ép trầm ngâm nói. – Như vậy cũng được: tất nhiên, chúng
ta phải nghĩ đến đánh trả. Nhưng phải chuẩn bị thật chu đáo. Còn nếu địch
tiến công bất ngờ, đánh tan các đơn vị bảo vệ thưa thớt của ta và dốc toàn
lực lượng tiến sâu vào nội địa thì sao? Lúc đó, phòng ngự càng khó, chứ
đừng nói đến tổ chức phản công.