Puốc-ca-ép vừa rời bước thì tư lệnh cũng xuất hiện ngay ở ngưỡng cửa,
vẻ khó chịu. Đồng chí rất bực vì chúng tôi đến muộn. Kiếc-pô-nô-xơ ít khi
tỏ ra mất tự chủ. Bởi nếu để mất thăng bằng thì công việc sẽ rất nặng nề.
Nén nỗi xúc phạm, tôi cố trình bày rằng chúng tôi đến sớm hơn hạn định
tuy xe gặp nhiều trục trặc kỹ thuật. Kiếc-pô-nô-xơ vừa đi vừa nói vẻ thận
trọng hơn:
– Một giờ nữa, trên bàn tôi phải có bản đồ về tình hình biên giới!
Chúng tôi bắt tay ngay vào việc, các bản đồ và tài liệu được sắp ra. Các
phái viên theo dõi các tập đoàn quân ngồi bên máy điện thoại.
Đối với bất kỳ sở chỉ huy nào, điều chủ yếu là vấn đề thông tin liên lạc.
Chủ nhiệm thông tin liên lạc quân khu tướng Đô-bư-kin và anh em cấp
dưới trong thời gian triển khai sở chỉ huy đã làm được rất nhiều việc. Tôi
nhớ đồng chí tự hào báo cáo với tư lệnh quân khu rằng từ sở chỉ huy mới,
có thể nói chuyện trực tiếp với các cơ quan tham mưu tập đoàn quân cũng
như với Mát-xcơ-va bằng điện thoại, điện tín, vô tuyến điện. Liên lạc bằng
nhiều kênh nên rất bảo đảm. Nhưng hóa ra, đó mới chỉ là trong hoàn cảnh
của thời bình. Vấn đề là ở chỗ mối liên lạc đó dựa vào đường dây cố định
của Bộ dân ủy bưu điện. Mà đường dây này thì, dĩ nhiên, ai cũng biết, nên
ngay từ những giờ đầu chiến tranh, địch đã dùng cả không quân và các đội
biệt kích để đánh phá. Ta không có đủ lực lượng để kịp thời sửa chữa
những chỗ hư hỏng, bởi khi tuyên bố lệnh động viên ở các tỉnh miền Tây
U-cra-i-na thì phần lớn các phân đội thông tin liên lạc của tập đoàn quân và
phương diện quân mới được thành lập; cuộc tiến công bất ngờ của địch đã
phá vỡ kế hoạch đó.
Và giờ đây, khi các trận đánh bắt đầu và khi đặc khu Ki-ép trước kia đã
trở thành Phương diện quân Tây – Nam, thì bộ tư lệnh của nó luôn luôn bị
tách khỏi các đơn vị. Đường dây liên lạc giữa sở chỉ huy phương diện quân
với trung ương hoạt động tạm được. Còn liên lạc với các cơ quan tham
mưu tập đoàn quân thì cực kỳ khó.