CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG 3 - Trang 94

Chính phủ Ngô Đình Diệm thời đó có ra một đạo luật bắt người Hoa phải
nhập Việt tịch, nếu không sẽ mất môn bài buôn bán. Vì thế đa số đã nhập
Việt tịch. Lúc đó Trung hoa phản đối dữ dội, và bình phong của cộng sản
Bắc Việt là Mặt trận giải phóng cũng hùa theo cộng sản Trung hoa, hứa hẹn
sau khi chiến thắng sẽ để cho người gốc Hoa tự do chọn lựa quốc tịch.
Việt nam bắt đầu cảnh giác người gốc Hoa từ khi có cuộc Cách mạng văn
hoá ở Trung hoa năm 1966. Phe quá khích và Hồng vệ binh đã gọi Việt
nam thuộc thành phần “xét lại”. Một số vũ khí Liên xô đi qua Trung hoa bị
chặn lại. Một số học sinh, sinh viên gốc Hoa ở Bắc Việt cũng tổ chức được
một nhóm nhỏ Hồng vệ binh dự định gây náo loạn. Người Hoa lại càng trở
nên khả nghi sau chuyến viếng thăm Bắc kinh của Tổng thống Nixon năm
1972. Ngày 30-4-1975, Hoa kiều trong Chợ Lớn đã không chào đón bộ đội
Bắc Việt bằng cờ đỏ sao vàng mà bằng cờ cộng sản Trung hoa với hình
Mao Trạch Đông.
Hành động thách đố đầu tiên của chính quyền cộng sản Hà nội đối với
Trung hoa là việc bắt Hoa kiều phải nhập Việt tịch nếu không sẽ mất hộ
khẩu và khẩu phần mua lương thực năm 1976. Lúc đó ở Trung hoa, đảng
cộng sản còn đang bận thanh trừng nội bộ và tranh chấp quyền hành nên
không phản ứng mạnh. Năm sau, khi tình hình hai nước trở nên gay go,
Việt nam âm thầm trục xuất những người gốc Hoa sống ở những địa
phương sát biên giới. Khi tình hình nội bộ trong nước đã tạm thời ổn định,
để đối phó với Việt nam, chính sách đối với Hoa kiều hải ngoại lần đầu tiên
được công bố, qua một bài viết của Liêu Thừa Chí, chủ tịch Uỷ ban Hoa
Kiều Hải Ngoại Vụ, đăng trên tờ Nhân dân nhật báo ngày 4-1-1978. Liêu
Thừa Chí tuyên bố Trung hoa sẽ giành quyền bảo vệ tất cả các Hoa kiều hải
ngoại còn mang quốc tịch Trung hoa, sẽ giúp đỡ họ nếu muốn trở về quê
hương định cư và xây dựng tổ quốc. Còn những người đã thay đổi quốc
tịch, Trung hoa vẫn còn xem họ là họ hàng và bằng hữu. Nhưng Trung hoa
cũng thúc đẩy họ nên thành lập một mặt trận thống nhất chống bá quyền.
Đối với Việt nam, đó là một hình thức kêu gọi nổi loạn, và thấy cần phải
phản ứng mạnh. Ngày 24-3-1978, Việt nam phát động chiến dịch đánh tư
sản mại bản trên toàn lãnh thổ miền Nam.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.