gầm lên:
- Ông ta quá vô lễ với cha. Để con đem quân bản bộ của mình ra Vân
Đồn bắt nó về đây cho cha trị tội.
Hưng Đạo vương vẫn vuốt chòm râu đen tủm tỉm cười và bảo:
- Con không nên nóng nảy thái quá! Công văn này trình như vậy là quá
đủ và quá rõ. Thứ nhất vuông lụa trắng trình rằng mọi việc đều yên tĩnh.
Thứ hai chưa có gì cần phải bẩm vào lúc này. Nếu có sự cố xảy ra xin cho
hắn toàn quyền ứng phó. Thứ ba là hắn thề là mình vẫn trong trắng. Đặc
biệt vẫn trung với nước với vua. Không có gì có thể lay chuyển được lòng
trung đó.
- Mấy ngày ở ngoài đó, tận mắt con thấy dân chúng có rất nhiều oán hận
bởi sự hà khắc, lộng quyền của hắn. Thậm chí con còn nghe câu “Vân Đồn
kê khuyển diệc giai kinh”.
- Khánh Dư là kẻ lắm tài, nhiều tật. Nhưng thực sự là một viên tướng văn
võ song toàn. Hẳn con còn nhớ chính hắn đã viết lời tựa cho cuốn “Vạn
kiếp tông bí truyền thư” chứ. Phải nói thật là không tướng nào hiểu sâu sắc
như hắn khi hắn viết lời tựa. Chỉ cần vài câu mở đầu đã toát lên điều đó:
“Người giỏi cầm quân thì không bày trận, người giỏi bày trận thì không
phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không
chết…” Đấy con người của Trần Khánh Dư là như vậy đấy! Ta tin chắc
rằng, rồi trong các trang sử viết về đời Trần của chúng ta hiện nay, dù rất
kiệm lời, nhưng trong số các con người làm nên lịch sử có tên Trần Khánh
Dư với một dấu son chói lọi. Song hành với một vết mực đen. - Nói tới đây
Hưng Đạo vương dừng lại một lát rồi hỏi Quốc Tảng:
- Có nên lưu lại Khánh Dư tiếp tục trấn thủ ở vùng biên ải quan trọng và
đầy sôi động đó, hay rút hắn về, thay bằng tướng khác?
- Về mặt đánh thủy, Nguyễn Khoái chỉ giỏi chiến trên sông. Còn trên
biển, Khánh Dư là số một.