Thế nhưng, những điều này chẳng hề ảnh hưởng đến nhà vô địch năm 2009.
Anh cán đích sớm hơn người về nhì tận nửa ngày, theo đúng nghĩa đen. Jure
Robic dường như bất khả chiến bại. Anh đã vô địch giải RAAM đến 5 lần, nhiều
hơn bất kỳ đối thủ nào và thường về đích chỉ trong vòng 9 ngày. Vào năm 2004,
anh đã đánh bại tay đua số 2 với cách biệt 11 giờ. Bạn có tưởng tượng được
không: Đây là giải đấu mà sau khi chứng kiến người về nhất cán đích, mọi người
còn phải chờ thêm nửa ngày nữa mới biết vị trí á quân!
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta sẽ thắc mắc điều gì đã khiến Robic chiếm ưu thế và
thành công trong một cuộc thi khắc nghiệt như thế. Là do năng khiếu bẩm sinh?
Không hề. Trong các bài kiểm tra, anh ta cũng không quá nổi trội so với những
vận động viên có sức bền hàng đầu khác.
Hay anh có huấn luyện viên giỏi? Không luôn. Qua mô tả của bạn anh —
Ruoc Ve Apec — thì Robic là một kẻ "bất khả huấn luyện."
Trong một bài báo trên tờ New York Times, Dan Coyle đã tiết lộ khía cạnh
vượt trội của Robic so với các đối thủ cạnh tranh đã khiến cho anh trở thành tay
đua vĩ đại nhất trong cuộc đua Race Across America:
Sự điên rồ.
Không hề quá khi nói rằng anh ta là một gã quá khích. Đúng là khi Robic
đặt chân lên bàn đạp, anh ta hoàn toàn bị mất kiểm soát.
Anh trở nên hoang tưởng; dễ xúc động và suy sụp; và cứ như nhìn thấy một
thứ ý nghĩa quái đản nào đó trong các vết nứt trên con đường phía dưới. Robic sẽ
ném chiếc xe đạp của mình xuống rồi đi về phía chiếc xe hơi theo sau của đồng
đội với nắm đấm siết chặt cùng đôi mắt rực lửa. (Rất khôn ngoan, bọn họ đã khóa
hết cửa xe lại.) Anh ta có thể đột ngột nhảy khỏi xe giữa cuộc đua chỉ để chiến
với... mấy cái hộp thư. Trong cơn ảo giác, có lần anh còn nhìn thấy quân du kích
Hồi giáo Mujahideen cầm súng đuổi theo mình. Vợ cũ của Robic Lo lắng về hành
vi của anh đến nỗi phải tự nhốt mình trong chiếc xe di động hỗ trợ đoàn đua.
Coyle cho hay Robic cũng biết sự điên rồ của mình là "khó xử và đáng xấu
hổ nhưng không thể sống mà thiếu nó được." Thú vị là đặc điểm này của Robic
không phải chưa từng được xem là một lợi thế trong thể thao. Từ những năm
1800, các nhà khoa học như Philippe Tissé và August Bier đã ghi nhận rằng tâm
trí thiếu ổn định có thể giúp vận động viên lờ đi nỗi đau và thúc đẩy cơ thể mình
vượt quá giới hạn tự nhiên.