Lời giới thiệu năm 1985
Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” có xuất xứ từ tiếng Latin: “liber”, nghĩa là
“tự do”, khởi kì thuỷ là để nói đến triết lí tự do. Ở châu Âu, khi tác phẩm
này được chấp bút (1927), nó vẫn còn có nghĩa như thế, vì vậy độc giả của
nó đã hi vọng là sẽ tìm được ở đây lí giải về triết lí tự do truyền thống.
Đáng tiếc là trong mấy chục năm gần đây thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” đã có
ý nghĩa hoàn toàn khác. Thuật ngữ này đã bị những nhà triết học theo
đường lối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ở Mĩ, sử dụng để nói về chủ nghĩa
can thiệp của chính phủ và những chương trình “nhà nước phúc lợi” của họ.
Một trong rất nhiều thí dụ có thể dẫn ra ở đây là ông cựu thượng nghị sĩ Mĩ,
Joseph S. Clark con, khi ông này còn làm thống đốc bang Philadelphia, đã
mô tả lập trường “tự do” của ông ta bằng những từ như sau:
Xin làm rõ ngay từ đầu và loại bỏ mọi sự mù mờ về mặt ngữ nghĩa,
người tự do được hiểu là người tin vào việc sự dụng mọi lực lượng của
chính phủ nhằm thúc đẩy sự công bằng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và
xã hội trên bình diện địa phương, bang, quốc gia và quốc tế … Người tự do
tin rằng chính phủ là công cụ tốt cho việc phát triển xã hội, người muốn đưa
những nguyên tắc của đạo Thiên chúa giáo vào đời sống” (Tờ Atlantic,
tháng 7 năm 1953, trang 27)
Quan điểm như thế về “chủ nghĩa tự do” đã giữ thế thượng phong vào
năm 1962, tức là năm tác phẩm này được dịch sang tiếng Anh, Mises tin
rằng dịch sát nghĩa tên gọi ban đầu của tác phẩm là Liberalismus có thể sẽ
gây ra hiểu lầm. Vì vậy mà ông đề nghị gọi bản tiếng Anh là Cộng đồng tự
do và thịnh vượng (The Free and Prosperous Commonwealth). Nhưng năm
sau ông quyết định không nhường thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” cho các triết
gia xã hội chủ nghĩa nữa. Trong lời giới thiệu cho lần xuất bản thứ hai và
thứ ba tác phẩm Hành vi của con người, tác phẩm quan trọng nhất của đời