Chủ nghĩa tư bản lại một lần nữa xuất hiện ở châu Âu vào đầu những
năm 1980, tức là một thời gian dài trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở
Đông Âu sụp đổ. Sau khi chiếm được quyền lực, ở đâu chế độ toàn trị cũng
chỉ để lại những vết nhơ. Tình hình kinh tế lạc hậu, thậm chí xấu đi trong
toàn khối xã hội chủ nghĩa, trong khi chủ nghĩa tư bản mang đến sự thịnh
vượng và giàu có cho phần còn lại của thế giới. Ngôi sao của chủ nghĩa tư
bản đang vươn lên trên bầu trời châu Á, mang đến hi vọng cho những con
người nghèo đói và bị áp bức ở châu lục này.
Ánh sáng của chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào cả Liên Xô trong suốt
giai đoạn hậu chiến. Dù bức màn sắt có mạnh mẽ và kín đến mức nào thì nó
cũng không thể chống lại được sức mạnh của ý tưởng. Thông qua tất cả các
kênh thông tin, những ý tưởng này đã xuyên qua được bức màn sắt và cắm
được những cái rễ chắc chắn vào trái tim và khối óc của rất nhiều người.
Hàng triệu nạn nhân của chế độ phi nhân tính toàn trị đã nhận thức được
quyền tự do của con người và hệ thống tư hữu. Họ đã trở thành những
người "theo trường phái tự do", thành những người khao khát tự do và hòa
bình - những nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa tự do. Sự tan rã một cách
hòa bình đế chế Liên Xô là bằng chứng rõ ràng về sức mạnh của tư tưởng tự
do.
Nhận thức chung của mọi người về sự thịnh vượng ngày càng rõ ràng
và gia tăng tại các nước có nền kinh tế thị trường là tác nhân quan trọng
nhất của quá trình thay đổi. Đến giữa những năm 1980, ngay cả những kẻ
cầm quyền đui mù nhất cũng không thể không thấy rằng khoảng cách giữa
các nước có nền kinh tế thị trường và các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa
chỉ huy, và cùng với nó là điều kiện sống của rất nhiều người, đang ngày
càng gia tăng. Trong những năm 1970, lần đầu tiên các nền kinh tế thị
trường ở châu Á gia tăng được gấp đôi sản lượng, và trong những năm 1980
là lần gia tăng thứ hai.