người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà
không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất.
Một buổi chiều lạnh, viên quản ngục tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc
công văn. Quan Hình Bộ Thượng thư trong Kinh bứt giải ông Huấn Cao và
các bạn đồng chí ông vào Kinh. Pháp trường lập ở trong ấy kia. Ngày mai,
tinh mơ, sẽ có người đến giải tù đi.
Viên quản ngục vốn đã tin được thầy thơ lại, cho lính gọi đến, kể rõ
tâm sự mình. Thầy thơ lại cảm động nghe xong chuyện: “Dạ xin ngài cứ
yên tâm, đã có tôi”. Rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn, đấm
cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng quản ngục, và
ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn biết việc về Kinh chịu án tử hình.
Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về bảo chủ ngươi, tối
nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc
xuống đây rồi ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng
ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới
viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta
thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết
đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như
vậy. Thiếu chút nữa, ta đi phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên
vọng canh, một cảnh tượng xưa xay chưa từng có, đã bày ra trong một
buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân
chuột phân gián.
Trong một không khí khỏi toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của
một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm
lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, họ dụi mắt lia lịa.