Sách tập đọc tiếng Nga, với phụ chú về thể loại sau nhan đề là “быль” –
tức truyện viết về sự kiện có thật.
Vào đầu tháng sáu năm 1885, Tolstoy báo tin cho người bạn thân tín
V.G. Chertkov (1854 – 1936), người xuất bản các truyện ngắn “dành cho
dân chúng” của nhà văn, rằng “đã viết xong một truyện nhỏ rất hay” và
“đang chờ để nhờ Ge (tức Nikolai Ge (1831 – 1894), họa sĩ chuyên vẽ
tranh phong cảnh, là người minh họa cho một số truyện ngắn có nội dung
tôn giáo của Tolstoy, ND) vẽ tranh minh họa.” Đó là truyện ngắn Hai ông
già, mà nguồn gốc ý tưởng của nó, theo nhiều nhà nghiên cứu, là các huyền
thoại về những người hành hương trong văn học Nga cổ.
Cũng gắn với truyền thống văn học Nga cổ và văn học dân gian là
truyện ngắn mang màu sắc ngụ ngôn Những cô bé khôn ngoan hơn các ông
già viết cùng năm 1885, trong đó thể hiện một quan niệm của nhà văn: bản
chất thiện nằm ở nơi con trẻ, là thứ có thể hóa giải xung đột, hận thù.
Tiệm cà phê ở Surat được phóng tác từ tác phẩm cùng tên của nhà văn
Pháp Bernardin de Saint-Pierre (1737 – 1814). Tolstoy viết lại bằng một
ngôn ngữ giản dị hơn so với nguyên tác (một đặc điểm phong cách của nhà
văn, đặc biệt ở các truyện ngắn), nhưng giữ gần như toàn bộ cốt truyện, bởi
theo lời của chính ông trong thư gửi Chertkov vào 23 tháng Giêng năm
1887, nó “cũng thể hiện ý tưởng, rằng chúng ta tin vào những tôn giáo khác
nhau nhưng ở dưới cùng một Chúa” – điều mà Tolstoy tuyên truyền trong
học thuyết về tôn giáo và đạo đức của mình.
Alyosha Nồi đất là một trong những truyện ngắn cuối cùng của
Tolstoy, viết năm 1905, kể về cuộc đời và cái chết của một con người nhu
mì, chăm chỉ, dễ bảo, hơi ngốc nghếch, mà nguyên mẫu có thể là một người
làm công tên Alyosha trong gia đình nhà văn, như theo hồi ức của T.A.
Kuzminskaya, em vợ nhà văn. Truyện được xuất bản năm 1911, sau khi
nhà văn qua đời. Nhà phê bình D.S. Mirsky (1890 – 1939) đã xem đây là
“một trong những sáng tạo hoàn hảo nhất của Tolstoy.”
Các truyện ngắn trong tập sách này chỉ là một phần rất nhỏ trong sự
nghiệp sáng tác đồ sộ, nằm trong nhóm tác phẩm được gọi tên là “những
truyện bình dân” (народные рассказы), nhưng chúng phần nào phản ánh