xin ông Phó Sứ làm quà cho mình tất cả những lá thơ đã dùng đánh suốt
một đêm qua. Thấy nhà cái trù trừ, ông Kinh Lịch nói dỗi:
- Có cho, thì tôi giữ làm chút kỷ niệm...
Ông Phó Sứ cười, trao vào tay ông Kinh mấy chục lá thơ đã dùng đến
nhàu nát rồi và thắt chặt lại miệng túi gấm còn đựng đến gần trăm lá thơ
khác chưa dùng đến còn phong kín cái bí mật một chữ thơ. Rồi nhà cái nhà
con chắp tay từ biệt nhau với một câu đính ước: "Cữ thượng tuần tháng sau,
xin lại gặp nhau ở đây nữa".
Nhưng ngày thượng tuần tháng sau, ông Phó Sứ và Mộng Liên không
trở lại. Rồi quá cữ trung tuần, rồi qua luôn cả cữ hạ tuần. Nhiều khách thả
thơ đã dầy công chờ đợi vợ chồng ông như một cái bóng chim, như một cái
tăm cá.
Một hôm có người ở Kinh ra, nói chuyện cùng ông Kinh Lịch:
- Ông Phó Sứ chết ở chân Đèo Ngang rồi. Mộng Liên giờ là người góa
và đang lúng túng tìm người giữ cho cây đàn. Số là đi qua Hoành sơn quan,
thấy cảnh đẹp, lòng sinh tình, hai ông mụ đã yêu nhau giữa vùng trời nước
bao la. Ngay chỗ dưới chân ngọn tường ải có chữ "Đệ nhất hùng quan" của
đức Thánh tổ ngự phê ấy, ông ạ. Trúng cơn gió độc, ông Phó Sứ đã hóa ra
ma chết đường. Mộ để sát ngay bên đường thiên lý. Cái giống ma trơi này,
sẽ thiêng vô cùng. Rồi đây những lúc thanh vắng, những lúc trăng bãi gió
ngàn, hồn ma tha hồ mà trêu ghẹo khách bộ hành vô Kinh đấy ông ạ. Cám
cảnh cho lão, đâu có bậc thời sĩ quê vùng Ngũ Quảng có làm đôi câu đối
điếu. Xin đọc ông nghe:
Ra Bắc vào Nam, trăng gió đề huề thơ một túi
Lên đèo xuống ải, mây mưa đánh đổ cuộctrăm năm