quan quân đi tiễu giặc. Nhớ đến cái mình sống hồi ấy giữa cảnh ly loạn, cậu
Chiêu hình dung thấy rõ mồn một cái đứa trẻ bồ côi rất đáng nên tội nghiệp
kia. Cậu đấy. Ừ, tưởng là chết được lắm, chứ có ai ngờ đâu còn sống được
đến bây giờ và lại còn được ăn học đến nơi đến chốn nữa. Cái thân một
người con quan lúc bấy giờ thật đã khốn cực đủ trăm phần.
Ông cụ Hồ Viễn vẫn nói và uống. Càng nói chuyện, cụ càng uống
rượu; càng uống rượu, cụ càng được nói chuyện nhiều. Mỗi lúc bị hỏi gặng,
cậu Chiêu lại như tỉnh cơn mơ nhỏ.
- Dạ?
- Thưa vâng.
Rồi cậu Chiêu lại vẫn không quên cái cảnh màn trời chiếu đất của
ngày bé bỏng. Dưới cái màn trời triền miên những kinh động ngờ sợ, ánh
sáng tối và ẩm ướt của rừng tị nạn đổ xuống một cái đầu xanh đang ngậm
chùm tóc mới vừa tơ mà đã nhuộm màu tang. Trên cái chiếu đất dằng dặc
mùi côi cút, một cặp chân có khóa bạc vòng vàng đang in đôi gót đỏ như
son lên cái rêu nhầy nhờn, của ngày đau khổ và lẩn lút. Có những ngày liên
tiếp cậu Chiêu và chị - cô Tú - phải nấu củ rừng ăn với cháo chó, - những
con chó trung thành cùng theo chủ vào ruột rừng Hưng Hóa.
- Cậu còn nhớ chỗ để ngôi mộ cụ nhà đấy chứ?
Cậu Chiêu choàng ngồi thẳng mình lên và ngừng tay quạt ruồi chờn
vờn trên mâm cơm, vội thưa với cụ Hồ Viễn:
- Dạ thưa cụ, cháu nhớ lắm. Có ai mà lại đi quên được mồ mả cha ông.
Vả chăng, vẫn còn có tấm bia ở đấy.
- Ờ. Đấy là xứ Đồng Cồn phải không? Từ ta đây mà xuống dưới xứ
Đồng Cồn thì đi như thế nào nhỉ?