Giời chiều, đứng nắn bầu nậm cho cụ Hồ, cậu Chiêu thấy có hứng thú.
Vì cậu đã bắt đầu mến được ông già Hồ. Trước kia cưỡi ngựa, cầm cờ,
đánh Tây, bắn súng; bây giờ đi phân phát hạnh phúc bằng cách tìm đất để
mả cho những kẻ thất thế, và lúc nhàn rỗi thì uống một đôi rượu của những
người biết nhớ ơn mình.
Xé mảnh vải điều, buộc vào cái nấc ngẵng quả bầu, cậu Chiêu nói với
cái vắng vẻ của buổi chiều nhà quê: "Thắt chặt dây lại tị nữa, thì dáng bầu
sẽ thon. Nó chỉ nhớn được theo chiều dài. Trôn quả này méo, sẽ làm tội
mình mấy buổi ra đây nắn mãi cho nó bớt tật đi".
Cụ Hồ thức giấc, ra vườn, thấy cậu Chiêu đang nắn cái quả bầu mình
đã rấm sẵn từ tháng trước, liền nói:
- Tại chị em nhà cậu tặng tôi mấy cái chén ngọc liệu nên tôi mới nghĩ
đến việc lấy bầu nậm. Cái chén uống rượu của nhà này phải dùng với cái
bình đựng rượu cũng của nhà này. Cậu biết chưa!
Cô Tú nghỉ tay thoi, bước ra nghe chuyện, đỡ lời em:
- Dạ thưa cụ, cảnh nhà nghèo bí, cũng chẳng còn có gì. Có bốn cái
chén ngọc là của gia bảo còn lại, chị em chúng tôi kính biếu cụ gọi là đền
đáp mới được có một chút mà thôi. Sau này nếu trời thương lại và nhờ
được mạch đất tổ tiên có cơ hồi lại, nếu nghiệp nhà có thể trung hưng lên
được, thì chị em chúng tôi còn phải tạ cụ nhiều. Có lẽ quả bầu nậm ở giàn
này, chỉ là mẫu vẽ trước của một cái bình bằng ngọc thực mà sau này chúng
tôi phải kính dâng cụ.
Cụ Hồ lấy làm thưởng thức cái câu cô Tú nói một cách trung hậu mà
cũng rất văn hoa. Người như thế mà còn nghèo mãi thì còn để thiệt thòi cho
thế gian nhiều. Cụ Hồ nghĩ mà thấy buồn buồn.
Hai cái sừng trăng đã mở to, đã đầy dần. Rồi vừng trăng tròn vẽ lên
trời, lần thì cái quầng, lần thì cái tán. Thế rồi nó khuyết ở đầu ngọn tre,