II
CHỮ VIẾT
Các hệ văn tự và chữ cái sử dụng vào Kỷ Đệ Tam nguyên thủy đều có
nguồn gốc Eldar, cho tới thời này đã được coi là rất cổ. Cho tới lúc này
chúng đều đã phát triển bảng chữ hoàn thiện, nhưng vẫn còn thấy sử dụng
các phương pháp viết cổ, chỉ có phụ âm được viết trọn vẹn bằng chữ cái.
Có hai bảng chữ cái chính được sử dụng, nguồn gốc độc lập với nhau:
chữ Tengwar hoặc Tîw, trong đây dịch là “chữ cái”; và chữ Certar hoặc
Cirth, dịch là “chữ rune”. Chữ Tengwar được tạo ra để viết bằng bút lông
hoặc bút mực; dạng chữ vuông góc dùng khi chạm khắc thực tế là biến đổi
từ dạng viết tay. Chữ Certar được tạo ra và sử dụng chủ yếu khi khắc vạch
lên bề mặt cứng.
Trong hai loại này Tengwar cổ hơn, được chính người Noldor, bậc thầy
trong các kỹ năng loại này, sáng tạo ra từ rất lâu trước cuộc tha hương. Hệ
văn tự Eldar cổ nhất, chữ Tengwar của Rúmil, không thấy dùng ở Trung
Địa. Hệ chữ về sau, chữ Tengwar của Fëanor, hầu như toàn bộ là phát minh
mới, dù có vay mượn phần nào của Rúmil. Người Noldor tha hương mang
bảng chữ cái này tới Trung Địa, sau đó người Edain và Númenor học theo.
Tới Kỷ Đệ Tam, nó đã được sử dụng ở phần lớn những vùng có dân cư
dùng Ngôn Ngữ Chung.
Chữ Cirth ban đầu do tộc Sindar ở Beleriand đặt ra, suốt một thời gian
dài chỉ dùng khắc tên hoặc những ghi nhớ ngắn gọn trên gỗ hay đá. Nguồn
gốc đó tạo nên tự dạng nhiều góc nhọn, rất giống chữ rune của thời đại
chúng ta, dù khác nhiều về chi tiết và khác hẳn về thứ tự. Chữ Cirth dạng
đơn giản ban đầu đã truyền sang phía Đông vào Kỷ Đệ Nhị, được rất nhiều
giống dân chọn dùng, cả Con Người lẫn Người Lùn, thậm chí cả Orc tất cả