Cuộc sống và công việc của hắn lại tiếp tục như cũ, với hai nỗi sợ
thường trực là nghèo đói và những xác chết mà hắn phải chở vào ban đêm
ở vùng miền núi hoang vu hẻo lánh này. Khó nói cái nào đáng sợ hơn. Cái
đói thúc bách hàng ngày, đòi có tiền. Các xác chết kinh khủng thật, nhưng
lại cho tiền, dù không phải hàng ngày. Ðội quân xe ôm gồm những người
cũng nghèo như hắn, làm cùng nghề như hắn đang đông dần. Cũng tranh
giành nhau như ở bến xe hay sân ga. Cũng có cả chuyện quỵt tiền công và
bắt chẹt khách, những người đang hấp hối hoặc đã chết. Tóm lại, nó gần
như một nghề bình thường, và hắn tiếp tục sống bằng nghề ấy. Thậm chí
cái đêm kinh khủng suýt bỏ mạng kia cuối cùng cũng trở thành một như rất
nhiều các kỷ niệm khác. Tối mồng hai Tết năm ấy nhà hắn có khách từ
dưới xuôi lên. Dẫu nghèo, hắn cũng lo nổi một bữa tử tế đãi họ. Ðang vui,
hắn nghe có tiếng gõ cửa, vội đi ra.
- Tôi đến theo lời mời của anh. Quên nhau rồi à?
Hắn há hốc miệng nhìn người đứng trước mặt. Ðúng hơn không phải
người mà là một xác chết đang thối rữa, lủng lẳng những miếng thịt trên tứ
chi chưa kịp rứt khỏi xương. Nhưng khuôn mặt thì còn nguyên. Hắn thấy
quen quen.
- A Lẩu?
- Vâng, tôi là A Lẩu đây. Ông thầy mo hôm nay bận nên tôi đến một
mình. Hai chúng tôi quí anh lắm. - Cái xác cười, miệng đỏ lòm. - Sao,
không mời khách vào nhà à? Cách đây ba tháng, ở Pa Cao anh chẳng mời
chúng tôi Tết này đến nhà chơi đấy ư?
- Ờ, vâng... vâng... - Hắn ấp úng.
- Ðừng lo. Không ai nhìn thấy tôi và ngửi thấy cái mùi nằng nặng
đang bốc ra từ người tôi đâu. - Cái miệng đỏ lại cười khi thấy hắn chần
chừ. - Vâng, không ai ngoài anh. Mà anh với tôi là chỗ bạn bè, chuyện ấy
có gì quan trọng.
Nói đoạn, A Lẩu cứ thế bước vào nhà. Hắn đành miễn cưỡng đi theo.
Ông già thản nhiên ngồi xuống một chỗ còn trống trên chiếc chiếu để đầy
thức ăn giữa nhà, thản nhiên rót rượu và dùng những ngón tay chỉ còn trơ
xương trắng bốc thức ăn. Hình như mọi người không nhìn thấy ông, không