triều đình, cả đến tung hoành giữa chốn ba quân, nhưng cũng phải nói
đến vì đây là một tổ chức xã hội, tuy vốn là riêng cho một tầng cấp ở
đỉnh cao. Vẫn có đấy các đoạn văn phẩm bình những ông vua mê đắm
tửu sắc, dâm loạn... Tuy nhiên các lời cao ngạo này của sử thần lại chỉ
nhắm mục đích biện minh cho một lý thuyết sử học thiên về đạo lý
chính trị, được dạy dỗ từ các bậc thầy Khổng Nho, càng xa cỗi gốc
càng nghiêng về một tinh thần nghiêm túc thánh giáo, xa rời đến mực
khinh ghét một sinh hoạt cơ bản nhất của con người, vốn là đầu mối
của sự tồn tại, phát triển, điều mà những người đại diện Thánh giáo
này vẫn thực hiện thường xuyên, và dân chúng dưới quyền họ lại đưa
lên thành tôn giáo, hay ít ra là một tín ngưỡng sâu đậm trong tâm hồn
với những bằng cớ vật chất không thể chối cãi.
SEX VÀ CÁC CẤP BỰC NHO THẦN
Muốn tìm dấu vết giới tính trần trụi, hay có liên hệ với dục tính
trong sử Việt, phải đi ngược dòng thời gian của tài liệu còn giữ lại qua
bao sửa đổi của người sau. Điều này thì không phải chỉ là chuyện của
Việt Nam - Đại Việt. Bởi vì không có Việt Nho mà chỉ có Nho-Việt
học của người Trung Quốc, của Khổng Nho. Nho giáo qua các lý
thuyết gia triều Tống mang tính cách thánh giáo gay gắt, khai triển từ
cơ sở nghi lễ thích dụng cho quân quyền, được tuyên dương trong các
triều Minh, Thanh. Nó có một thời gian dài đủ để tác động sâu xa trên
các nho thần Việt Nam và đi vào sử sách.
Trung Quốc không phải chỉ có Nho giáo nên cổ sử của họ về thời
Tam Hoàng Ngũ Đế còn có chuyện rồng giao phối rải tinh khí trước
sân chầu, văn khắc đời Hán còn có hình bà Nữ Oa và ông Phục Hy
quấn đuôi vào nhau, Đạo gia như Cát Hồng, một thời làm huyện lệnh
Câu Lậu ở Giao Chỉ, chỉ rõ phương cách thi hành tính dục để thành
tiên thánh... Nho giáo lại cũng không phải là Tống Nho cho nên ông
Khổng Tử ngay cả khi bàn về đạo trị nước cũng không phải chỉ nói