Rồi ông bày lễ đúc tượng một lần thứ nhì. Khi nồi nấu đồng đang sôi, ông Tăng
Ngộ bèn chặt đứt một ngón tay của mình mà thảy vào. Sau đó, khi đồng đã nguội, pho
tượng hoàn thành tốt đẹp, không khuyết như lần trước.
Vài năm sau, cha ruột của ông mang bệnh, ông đến trước Phật đài xin trường tọa
suốt ngày để báo hiếu. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng xảy ra bệnh trái
giống. Ông Tăng Ngộ cầu xin đức Địa Tạng phù hộ dân làng rồi tình nguyện tịnh cốc,
không ăn bữa cơm nào cả.
Hai mươi sáu năm qua, năm 1846, ông Tăng Ngộ nghĩ rằng mình tu đã quá lâu mà
chưa thành chánh quả nên nguyện tuyệt thủy (nhịn uống nước). Bốn mươi chín ngày
sau, ông mất. Dân làng xây tháp kỷ niệm ông. Ngôi chùa mà ông xây cất ngày xưa, nay
hãy còn ở Thanh Ba (Cần Giuộc) và khu vực do ông điều khiển khai hoang mãi đến nay
dân chúng còn gọi là giồng Ông Ngộ. Ông Ngộ tức là ông Tăng Ngộ, tên thật là Nguyễn
Chất trong truyện vừa kể trên.