Trạng Trình
Ông Trạng Trình có tên thật là Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, quê ở
làng Trung An tỉnh Hải Dương.
Ông từ nhỏ tư chất thông minh, học đâu nhớ đó. Một hôm ông cùng bạn trẻ cởi áo
quần xuống tắm tại bến Hàn. Có thầy tướng số đi qua, đứng lại nhìn ông rồi nói:
- Thằng bé này có bộ tướng rất sang, chỉ tiếc da quá dày nên chỉ làm được Trạng
nguyên hay Tể tướng là cùng.
Vừa lớn lên ông theo học với ông Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Lúc Lương Đắc
Bằng đi sứ sang Tàu gặp người đồng họ là Lương Nhữ Hốt tặng cho một quyển “Thái
Ất Thần Kinh”, nhờ đọc quyển sách này, Đắc Bằng tinh thông về khoa lý số. Đến sau,
Đắc Bằng trao quyển “Thái Ất Thần Kinh” cho Bỉnh Khiêm, nhờ đó ông rất giỏi về
khoa tiên tri, đoán biết việc hưng vong của đất nước.
Năm Đại Chính thứ sáu về đời nhà Mạc, ông vào kinh ứng thí, đỗ được Trạng
nguyên. Vua Mạc phong ông làm Đông các học sĩ. Bấy giờ, trong triều bọn nịnh thần
kéo phe kết cánh nhiễu hại thần dân. Ông liền dâng sớ xin vua chém đầu kẻ nịnh thần.
Sớ của ông không được vua chấp nhận, ông bèn từ quan về ở ẩn trên bến Tuyết Giang,
mượn gió mát trăng thanh, non xanh nước biếc làm thú tiêu dao ngày tháng.
Tuy đã về trí sĩ, nhưng lúc nào có việc hệ trọng, vua nhà Mạc liền sai sứ giả đến
mời về kinh bàn việc nước. Nhờ có công và tài học uyên bác, bàn bạc mọi việc đều
thông suốt, nên vua nhà Mạc phong ông làm Lại bộ Thượng thư Trình quốc công, vì vậy
mà mọi người gọi ông là Trạng Trình.