LỜI NGƯỜI DỊCH
W
illiam Faulkner xuất bản Cọ hoang (The Wild Palms) vào năm
1939 khi danh tiếng của ông chưa có hào quang của giải Nobel văn chương
bao trùm và cũng giống như Âm thanh và cuồng nộ, Nắng tháng Tám,
Thánh địa tội ác, Bọn đạo chích, tác phẩm này một lần nữa khẳng định rằng
người viết ra nó là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thế kỷ XX.
Với tác phẩm này, Faulkner trở nên độc đáo ngay trong cách ông kể
hai chứ không phải một câu chuyện trong cùng một tiểu thuyết, hai câu
chuyện riêng rẽ nhưng lại đan xen, tưởng như không liên quan mà lại soi
rọi lẫn nhau một cách kín đáo và tinh tế. Đọc xong một chương, độc giả
tạm dừng khám phá câu chuyện này để đến với câu chuyện kia, nhưng thật
thú vị, mạch của hai câu chuyện vẫn được giữ xuyên suốt và song hành
trong sự liên tưởng thầm kín. Một câu chuyện kể về cặp tình nhân lao vào
cơn mê cuồng của tình yêu bất chính mà theo như người trong cuộc “chẳng
phải vì lý tưởng đầy đam mê của hai kẻ bị nguyền rủa, đầy đọa, bị thế giới
và Thượng Đế xa lánh đã lôi cuốn họ mà vì ý niệm về tình yêu bất chính là
một thách thức đối với họ, bởi họ có một niềm khao khát không thể cưỡng
lại được (và một niềm tin không gì lay chuyển nổi là họ có thể vượt qua
thách thức ấy, giống như ai đó tin rằng mình có thể quản lý một nhà trọ
vậy), niềm khao khát chấp nhận tình yêu bất chính và biến nó thành tình
yêu chân chính” để rồi chấp nhận một kết thúc nghiệt ngã. Câu chuyện còn
lại kể về một tù nhân vật lộn trong cơn lũ lụt với “hệ thống cơ bắp phải làm
việc liên tục trong nhiều giờ liền… không tuân theo ý chí mà tuân theo sự
suy hao vượt trên cả sự kiệt sức đơn thuần, gần như mê dại, như bị thôi
miên, tiếp tục hoạt động dễ hơn là dừng lại” để bảo toàn mạng sống cho
một người đàn bà mang thai mà anh ta được sai đi cứu để rồi phải chịu
cảnh tù đày thêm mười năm. Với hai câu chuyện đều là bi kịch, Faulkner đã